Đại tá Hoàng Long Xuyên, người tiểu đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân ta đã thanh thản ra đi ở tuổi 107.

Cuộc đời của người lính cao tuổi nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam Hoàng Long Xuyên như một câu chuyện sáng trong về hình ảnh một con người cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân.

Cụ là chứng nhân cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- đơn vị tiền thân của quân đội ta.


Đại tá Hoàng Long Xuyên trao đổi với lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 1 các thời kỳ tại Hội nghị gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn Quân khu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tháng 12-2014.  Ảnh: MẠNH QUỲNH

Sinh năm 1917 tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cuộc đời tuổi trẻ bị thực dân áp bức đã thôi thúc chàng thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Tứ (tên khai sinh của Đại tá Hoàng Long Xuyên) sớm đến với cách mạng.

Năm 24 tuổi, ông được Bác Hồ cử sang Trung Quốc học quân sự tại Phân hiệu Trường Võ bị Hoàng Phố. Đầu tháng 11/1944, ông cùng đoàn thanh niên học quân sự về nước. Những người bạn học cùng với ông nhiều người sau trở thành các vị tướng lỗi lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Vũ Lập, Trung tướng Nam Long và nhiều người khác.

Ông không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày thành lập 22/12/1944 do khi về nước, ông và một số đồng chí khác bị lạc rừng, về tới nơi thì lễ thành lập đã xong mấy ngày. Sau đó, ông được phân công làm một trong những tiểu đội trưởng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Và ngày thành lập Quân đội ta đã trở thành dấu mốc tham gia cách mạng của Đại tá Hoàng Long Xuyên.


Đồng chí Trung tướng Phan Văn Giang, Tư lệnh Quân khu 1 (nay là Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) với Đại tá Hoàng Long Xuyên, tháng 12-2014.  Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Đầu năm 1945, Tiểu đội trưởng Hoàng Long Xuyên nhận nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân đánh từ Cao Bằng theo đường số 4 qua Tràng Định tiến đến các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Đến tháng 8/1945, trên cương vị Phân đội trưởng, cụ đã chỉ huy đơn vị hội quân với Đại đội Thoát Lãng, do đồng chí Ngọc Trình làm chỉ huy, tiến hành hỗ trợ quần chúng cách mạng nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm... Sau đó, tại châu Điềm He, cụ tham gia cuộc họp của Tỉnh ủy Lạng Sơn, thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh và đề ra chủ trương, nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng.

Tháng 10/1945, tiểu đội trưởng Hoàng Long Xuyên được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi toàn quốc kháng chiến, Hoàng Long Xuyên được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 và tham gia rất nhiều chiến dịch quan trọng. Năm 1949, cụ được cử làm Phó tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng biên khu Quảng Tây và Vân Nam. Trong giai đoạn này, đồng chí, đồng đội đã lấy tên của cụ đặt cho tên trung đoàn. Từ đây, nhắc đến Trung đoàn Long Xuyên là người ta nhớ ra cụ.


Cụ Hoàng Long Xuyên, ảnh chụp năm 2021.

Những năm sau, cụ được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn...

Năm 1962, cụ về công tác tại Công an vũ trang Việt Bắc, sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc. Năm 1986, cụ nghỉ hưu với cương vị Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Sinh thời, hồi ức về những năm tháng hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp luôn sống động với Đại tá Hoàng Long Xuyên là những năm tháng không thể nào quên. Với cụ, những năm tháng ấy như vừa mới diễn ra mà cụ vừa là chứng nhân, vừa là người trực tiếp có mặt.

Những lần được hỏi từ cán bộ quân đội chuyển sang công an vũ trang, rồi công an khu tự trị, nhiệm vụ ở đơn vị nào nặng nề hơn, câu trả lời của cụ bao giờ cũng như nhau: “Tôi làm nhiệm vụ bên quân đội hay công an vũ trang là do Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho tôi. Dù nhiệm vụ nhỏ hay to, tôi vẫn tâm niệm: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Rồi cụ lại bảo: “Thời tôi vào Đảng, phải phấn đấu, thử thách nhiều lắm, ghê lắm, không phải dễ đâu”.

Những năm tháng rời quân đội về nghỉ, đại tá Hoàng Long Xuyên vẫn giữ vững nếp sống giản dị, khiêm tốn, không bao giờ có biểu hiện công thần, tự mãn. Trong gia đình, cụ luôn là tấm gương sống mẫu mực, không bao giờ to tiếng, nặng lời với con cháu mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Ngoài xã hội, cụ chan hòa, giản dị với mọi người. Là một nhà cách mạng lão thành trung kiên, trong cụ vẫn luôn sáng ngời niềm tin với Đảng, với lý tưởng cách mạng.


Đại tá Hoàng Long Xuyên phát biểu ý kiến tham gia xây dựng LLVT Quân khu 1, tháng 12-2014.

Bao giờ cũng thế, mỗi khi có dịp được sống lại những năm tháng hào hùng có một không hai của đất nước, của cách mạng, Đại tá Hoàng Long Xuyên có thói quen đọc một bài thơ như thể những ngày tháng qua đang rung lên rộn rã trong tâm trí ông.

Đấy cũng là niềm hạnh phúc của một người lính đã có mặt trong quân ngũ từ ngày đầu tiên và cũng là hạnh phúc trào dâng khi được chứng kiến Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành đội quân cách mạng, chính quy, hiện đại và chắc tay súng, vững tư duy, bản lĩnh để cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bỗng nhớ đến hai câu thơ của đức vua Trần Thái Tông gần 8 thế kỷ trước:

“Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”

(Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong).

PV (t/h)

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục