Trái tim vang vọng tiếng biển
Cập nhật ngày: 30/12/2019 09:25 (GMT +7)

“Qua sông muốn bắc những nhịp cầu
Cho dù sông rộng, nước xiết sâu
Bạn muốn cầu gì, mềm hay cứng?
Đã có công binh, chẳng lo đâu”

 

Những câu thơ từ tiếng lòng Đại tá Nguyễn Bá Hiểu sinh năm 1959, Nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án công trình DK1, Binh chủng Công binh được chính tác giả đọc lên với tất cả niềm tự hào. Dành cả tuổi xuân, sức trẻ hiến dâng cho màu xanh áo lính nên dù ở tuổi lục tuần, anh bộ đội cụ Hồ Nguyễn Bá Hiểu vẫn bồi hồi, xúc động khi hồi tưởng, chia sẻ về quãng đời đầy gian khổ nhưng hào hùng của mình.


Sinh ra tại vùng quê nghèo thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng (Gia Bình) trong gia đình nhiều đời làm nông nghiệp nhưng ông Hiểu lại xuất sắc đỗ khoa Chế tạo máy, Đại học Bách khoa. Bước ngoặt lớn đến với cuộc đời ông khi vừa tốt nghiệp Đại học, được phân công công tác tại Binh chủng Công binh.


Năm 1988, trong khi Việt Nam đang cố gắng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, thì Trung Quốc lại chiếm đồng loạt 6 điểm trọng yếu ở Trường Sa. Ngay sau sự kiện Gạc Ma bị đánh chiếm năm 1988, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị xây dựng các Trạm dịch vụ - kinh tế - khoa học - kỹ thuật (DK1) trên 6 bãi ngầm san hô ở thềm lục địa cách đất liền 600km, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế phía Nam Việt Nam, để vừa làm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật, vừa là đồn trú bảo vệ lãnh hải, thềm lục địa Tổ quốc. 

 


Đại tá Nguyễn Bá Hiểu cùng các đồng đội được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình DK1 năm 2012.


Nói đến công trình thì phải gắn với công binh, người lính trẻ Nguyễn Bá Hiểu được tham gia vào Ban xây dựng công trình DK1 tại Binh chủng Công binh, trực tiếp cùng đồng đội thiết kế, thi công, lắp đặt nhà giàn trên biển. “Tôi vô cùng xúc động khi nghe về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân trong trận hải chiến Gạc Ma tháng 3-1988, nên khi được điều tham gia vào Ban xây dựng công trình DK1, tôi xác định là mình phải cống hiến sức trẻ và trí tuệ, làm theo lời dạy của Bác Hồ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.”, ông Hiểu chia sẻ. 


Thời gian đầu, ông và đồng đội gặp vô vàn khó khăn do hiểu biết về địa hình, địa chất chưa nhiều. Nhưng với phẩm chất người lính, không ngại khó, ngại khổ, chỉ chưa đầy 1 năm, bộ phận thiết kế dốc sức hoàn thành kết cấu hạ tầng là khung chân, thượng tầng là một tầng nhà ở và tầng phụ được thi công từng phần trên đất liền, sau đó vận chuyển lên tầu, ra ngoài biển đóng, lắp ráp. Tầu chở ra bãi cạn, nhóm thi công sẽ cẩu hạ từng bộ phận của nhà giàn lắp ghép trên bãi đá san hô ngập nước giữa biển.


 Nhớ lại những ngày đầu đi biển, Đại tá Hiểu không giấu nổi xúc động: “Tôi quê đồng bằng, chưa đi biển lần nào, nên thực sự thấm những cơn say sóng. Ở biển sao tránh khỏi sóng to gió lớn, nhiều khi đang thi công, gặp những trận bão, sóng ngầm, chúng tôi thực sự mong manh giữa sự sống và cái chết, vừa phải lo bảo vệ tính mạng, vừa phải bảo đảm công trình được hoàn thành đúng tiến độ. Khi nhà giàn đầu tiên được hoàn thiện, chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau, vừa cười vừa chảy nước mắt vui sướng như những đứa trẻ. Rồi lần lượt 19 nhà giàn nữa ra đời. Chúng tôi có một tuổi trẻ đầy tự hào, nhưng cũng rất đau xót khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, đồng chí.


Gần 40 năm mặc áo lính cũng là thời gian dài đằng đẵng ông Hiểu không được gần vợ con. Ngoài thời gian trên biển, ông đóng quân ở Vũng Tàu, 1 năm chỉ được về nhà ít ngày. Trong trái tim người lính thời chiến cũng như thời bình, lúc nào cũng hừng hực ngọn lửa tình yêu gia đình và tình yêu Tổ quốc. Chính bởi tình yêu đó đã cảm hoá con người “khô khan”, suốt ngày chỉ biết đến điều lệnh, kỷ luật sáng tác những vần thơ, bài hát gửi tặng đồng đội, quê hương và người vợ yêu dấu. Vợ của ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai luôn một lòng cảm thông, yêu thương và chia sẻ với chồng để ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc.


Chính bởi niềm say cháy với công việc, đại tá Nguyễn Bá Hiểu được giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý kiêm Chủ nhiệm dự án vào năm 2005, tổng chỉ huy toàn lực lượng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2010, do các công trình đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, Bộ Quốc phòng cho lắp đặt, xây dựng các nhà giàn to hơn, hiện đại hơn, có thể chịu được sóng gió cấp 15, đặt ngay cạnh nhà cũ, nhưng những ký ức của ông về những công trình đầu tiên luôn in hằn trong tâm trí, sống mãi với ký ức tuổi trẻ. Khi nói về DK1, ông đều nhắc đi nhắc lại rằng “Đó là công sức của tập thể, sự hy sinh của các đồng chí đồng đội. Chỉ mong thế hệ sau này biết ơn vì điều đó để thêm yêu Tổ quốc.” 


Công trình DK1 cho đến nay và mãi về sau là niềm tự hào dân tộc, không chỉ có chức năng khẳng định chủ quyền biển đảo, làm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật mà còn là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân đánh bắt xa bờ trú chân mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Cụm nhà giàn DK1 là cột mốc bất tử trên thềm lục địa Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần yêu chuộng hòa bình, tinh thần kiên cường của cả dân tộc trước gian lao, hiểm nguy. Vì ý nghĩa cao cả đó, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu cùng các thế hệ đồng đội xây nhà giàn DK1 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 2014.


Những ngày giáp Tết, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu bồi hồi nhớ lại những cái Tết trên biển: “Tết đến là dịp để mọi người gác lại hết công việc, quây quần bên gia đình, nhưng chúng tôi, những người mang trên vai trách nhiệm canh giữ, bảo vệ nhà giàn không được hưởng trọn vẹn niềm vui ấy. Có năm, chúng tôi đón Tết trên biển, không ai bảo ai nhưng đã tự coi nhau thân thuộc như máu thịt.” Nay, khi đã nghỉ hưu, những ký ức tuổi trẻ gắn bó với màu xanh của trời, của biển, của màu áo lính luôn in hằn dù mái đầu đã ngả bạc. Những ký ức đó sẽ theo ông và đồng đội đến cuối đời, là niềm tự hào không chỉ của riêng cá nhân mà là của cả dân tộc Việt Nam./.

Theo BaoBacNinh
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục