Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép đa mô, tạng cho nhiều người từ người cho chết não Thành tựu mới của các thầy thuốc quân đội
Cập nhật ngày: 10/11/2020 07:58 (GMT +7)

Được thực hiện vào ngày 16-9-2020, đến nay, ca lấy và ghép đa mô, tạng của Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 được đánh giá đã thành công rất tốt đẹp, khi tất cả các bệnh nhân được ghép đều có tiến triển tốt. Kết quả này tiếp tục khẳng định khả năng làm chủ các kỹ thuật đỉnh cao y học của Bệnh viện TƯQĐ 108, đồng thời mở ra tiềm năng và hướng điều trị mới cho nền y học nước nhà...

Những con số ấn tượng

Được biết, đây là lần thứ 4, Bệnh viện TƯQĐ 108 điều phối, tổ chức thực hiện lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não ngay tại bệnh viện. Điểm đặc biệt cần nói đến, đây là ca ghép đa mô, tạng cho nhiều người diễn ra đồng thời trong một thời gian ngắn, gồm: Ghép 2 phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép 2 thận cho hai bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối; ghép đồng thời 2 cẳng tay cho một bệnh nhân bị cụt chi thể do tai nạn. 5 ca ghép này đều được thực hiện tại Bệnh viện TƯQĐ 108. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tiến hành bảo quản, vận chuyển tim sang ghép cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức.

Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân (GS, TSKH, TTND) Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết: Ghép tạng là một trong những thành tựu y học lớn nhất của thế kỷ 20. Để có thể ghép tạng, cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; phải được thực hiện theo các trình tự nghiêm ngặt, đặc biệt là hội chẩn Hội đồng y đức và Hội đồng xác định chết não, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, thực hiện lấy và ghép đa mô tạng đồng thời. Với khối lượng công việc lớn như vậy, song ca ghép đã được bệnh viện chuẩn bị chỉ trong 24 giờ và toàn bộ quá trình tiến hành phẫu thuật lấy, ghép tạng hoàn thành trong khoảng 10 giờ.

Để thực hiện ca ghép đa mô, tạng nói trên, Ban giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 đã huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên; triển khai 12 bàn mổ hoạt động đồng thời. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, khoa học của lãnh đạo bệnh viện và sự phối hợp, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các chuyên khoa, ca lấy ghép đa mô, tạng cho nhiều người đã được Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện thành công tốt đẹp.


Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm bệnh nhân được ghép hai cẳng bàn tay sau phẫu thuật. Ảnh: Bùi Thuấn.

Trong y học, ghép phổi được coi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, luôn tạo ra thách thức rất lớn đối với các thầy thuốc do phải thực hiện trong tình huống cấp cứu. Đề cập đến ca lấy, ghép đa mô tạng vừa qua, Đại tá, TS, BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Ngoại Lồng ngực của Bệnh viện TƯQĐ 108, người điều hành việc lấy tạng, đồng thời trực tiếp tham gia ca ghép phổi, cho biết: Với một ca lấy, ghép đa mô tạng cho nhiều người, khó khăn không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật mà còn là khó khăn trong triển khai công tác tổ chức và phối hợp giữa các lực lượng. Đối với ghép phổi, kíp phẫu thuật vừa phải can thiệp trên đường hô hấp, vừa phải can thiệp trên tim, nên đòi hỏi công tác tổ chức chặt chẽ và sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương, chính xác ở mức cao nhất của đội ngũ kỹ thuật viên, gây mê, hồi sức, chăm sóc sau mổ...

Mở ra những “cánh cửa” mới

Thành công từ ca lấy, ghép đa mô tạng vừa qua đã mở ra những “cánh cửa” mới, không chỉ đối với các bệnh nhân mà với cả Bệnh viện TƯQĐ 108 nói riêng và nền y học nước nhà nói chung. Tất cả các bệnh nhân nhận ghép đều có tiến triển tốt sau mổ. Nam bệnh nhân 54 tuổi được ghép phổi đã được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát khoảng 2 năm nay. Theo thời gian, bệnh sẽ gây thiếu ô-xy ngày càng nghiêm trọng và ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Hơn một tháng sau ghép, bệnh nhân đã được ra viện. Bệnh nhân được ghép gan và hai bệnh nhân được ghép thận cũng đã được ra viện 3 tuần sau ghép.

Nếu ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện TƯQĐ 108 vào tháng 1-2020 được coi là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống, thì ca ghép ngày 16-9 vừa qua là ca ghép đồng thời 2 cẳng tay-bàn tay từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á. Cho đến nay, số lượng các ca ghép tương tự trên thế giới chưa đến 10 ca. Nói về đặc điểm của kỹ thuật ghép chi thể, Đại tá GS, TSKH, TTND Nguyễn Thế Hoàng cho biết: Chi thể bao gồm nhiều loại tổ chức có cấu trúc giải phẫu sinh lý rất khác nhau, như: Da, mỡ, gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, dây thần kinh... Ghép chi thể tiềm tàng nguy cơ thải ghép rất lớn mà trong đó da là cấu trúc có nguy cơ thải ghép cao nhất. Ghép chi thể đòi hỏi phải phục hồi chính xác tối đa tất cả các cấu trúc giải phẫu như xương, khớp, cơ, gân, mạch máu, thần kinh... Để đạt được các yêu cầu trên, việc ứng dụng thành thạo kỹ thuật vi phẫu mạch máu, thần kinh là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, chi ghép chỉ được coi là thành công khi không những sống tốt, được tưới máu đầy đủ mà còn phải phục hồi tốt chức năng vận động, cảm giác và dinh dưỡng của cẳng tay và bàn tay, đồng thời có hình dáng thẩm mỹ phù hợp. Để đạt được các tiêu chí trên, bệnh nhân phải trải qua một quá trình phục hồi chức năng và tập luyện rất công phu và lâu dài sau ghép... Chính vì vậy, ghép chi thể thực sự là một thách thức vô cùng khó khăn và phức tạp đối với các phẫu thuật viên.

Vượt qua nhiều khó khăn, ca ghép 2 cẳng tay-bàn tay vừa được Bệnh viện TƯQĐ 108 tiến hành đã đạt được thành công như mong đợi. Người vừa được ghép đồng thời 2 cẳng tay là một nam bệnh nhân 18 tuổi. Từ 3 năm trước, em bị tai nạn chất nổ hóa học khiến hai cẳng tay giập nát và hoàn toàn không có khả năng bảo tồn. Sau khi được ghép 2 cẳng tay, bệnh nhân diễn biến sau mổ rất thuận lợi. Cho đến nay, tất cả các vết mổ đã liền sẹo và các ngón tay đã có thể vận động nhẹ được. Theo đánh giá của đội ngũ chuyên môn, nếu tuân thủ tốt chế độ tập luyện và phục hồi chức năng thì chỉ sau khoảng một năm nữa, chức năng của chi ghép có thể phục hồi tốt và đạt mức 70-80% so với chi lành bình thường và sau đó sẽ tiến triển ngày càng tốt hơn. Có thể nói, nếu vụ tai nạn 3 năm trước khiến cho cánh cửa tương lai đóng sầm lại trước mắt, thì ca ghép đồng thời 2 cẳng tay vừa qua đã mở ra “cánh cửa” mới, giúp chàng trai tiếp tục hiện thực hóa những dự định và ước mơ của mình.

Trong những năm qua, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công khoảng 240 ca ghép tạng và đạt được nhiều thành tựu đặc biệt xuất sắc, nhất là trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện các kỹ thuật lấy, ghép đa tạng. Với thành công từ ca ghép đa mô tạng cho nhiều người trong cùng một thời gian ngắn được thực hiện giữa tháng 9 vừa qua, nhiều kinh nghiệm quý tiếp tục được đúc rút, đặc biệt là trong vấn đề đánh giá chết não; vận động hiến tạng; công tác tổ chức, điều phối, hiệp đồng trong một cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp; kinh nghiệm trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị chống thải ghép... Kết quả của ca lấy, ghép đa mô tạng đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Bệnh viện TƯQĐ 108 trở thành bệnh viện thông minh, vươn tầm đẳng cấp quốc tế.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục