Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch dưới da chi dưới chính là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... Cảm giác của bệnh suy tĩnh mạch chân giờ đây đã được điều trị dứt điểm nhờ can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần RFA, Bệnh viện Quân Y 110 là một trong những đơn vị tiên phong trong khu vực thực hiện thường quy cho người bệnh.

Theo lý thuyết,  Suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Kế cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới tức chân do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều. Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Ở Việt Nam theo các chuyên gia y tế, suy giãn tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) ở nước ta có tỷ lệ mắc rất cao ( từ 9-30% dân số, phụ thuộc vào từng nghiên cứu), trong đó phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Dự đoán bệnh sẽ gia tăng gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống và hiện nay suy tĩnh mạch chân không còn là một bệnh xa lạ với người dân. Tỷ lệ mắc bệnh là rất cao, đặc biệt ở những người có thói quen hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu, đi lại nhiều, hoặc phụ nữ mang thai sinh nở nhiều, béo phì, người mắc chứng táo bón kinh niên…mặc dù ít nguy hiểm nhưng sẽ gây cho người mắc bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.


Kíp Bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 thực hiện kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch dưới da chi dưới bằng sóng cao tần RFA cho bệnh nhân (tháng 6/2019)

Theo bác sĩ Dương Thị Tuyết, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Quân y 110, tĩnh mạch là hệ thống mạch máu ngoại vi, có chức năng dẫn máu từ 2 chân về tim theo chiều từ dưới lên trên (hệ thống tĩnh mạch được chia thành tĩnh mạch nông và sâu). Khi tĩnh mạch bị suy (do suy van hoặc giãn tĩnh mạch), sẽ xuất hiện dòng trào ngược xuống chân gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến các hiện tượng: đau, mỏi, nặng chân, chuột rút vào ban đêm hoặc phù nhẹ khi đứng ngồi lâu... Nhưng khi các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da (suy giảm sắc tố và chàm hóa, loét da), các tĩnh mạch giãn dần và nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thậm chí nhiều trường hợp gây tắc mạchđe dọa tới tính mạng.

Các triệu chứng giai đoạn đầu của suy tĩnh mạch chân thường không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan. Đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch khiến chân sưng phù, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Nếu không được can thiệp đúng, các tĩnh mạch sẽ giãn to dần, và hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác. Khi tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chân như điều trị nội khoa (dùng thuốc), phẫu thuật, can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch suy bằng tiêm chất tạo bọt, điều trị bằng sóng laser…. Việc điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, với những bệnh nhân suy giãn và biến chứng nặng, phải phẫu thuật để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. Ngoài ra, còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 196 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ tái phát khá cao (đến 30%).  

Theo Đại tá, PGS, TS Diêm Đăng Thanh GĐBV cho biết: “Kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch chân bằng sóng cao tần RFA là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số  nằm trong khoảng sóng âm thanh. Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim (needle electrode), dòng sóng âm thanh được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu có tỷ lệ tổn thương rất thấp so với phẫu thuật, đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và điều trị Mỹ đồng ý cho áp dụng rộng rãi tại Mỹ và được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong những năm gần đây”


Hình ảnh suy tĩnh mạch chi dưới chưa phẫu thuật

Thực tế, Bệnh viện Quân y 110  là đơn vị đầu tiên trong khu vực đã áp dụng  và đưa phương pháp mới nhất là can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng có tần số RFA có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp kinh điển trước đây (như phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch hiển, chích xơ, đốt laser…): hiệu quả cao, nhẹ nhàng và ít đau, có thể xuất viện trong ngày, an toàn, thẩm mỹ và hồi phục nhanh. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại các sinh hoạt bình thường hàng ngày trong 12 tiếng sau thủ thuật. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường khoảng 1 tuần sau đó. Bệnh nhân được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, Bệnh nhân có thể đứng dậy được ngay sau khi làm can thiệp và có thể xuất viện ngay trong ngày. 

Nếu như trước kia người bệnh áp dụng phương pháp này phải tự chi trả thì ngày nay, kỹ thuật mới và hiện đại này được BHYT chi trả 100%.

Sau 4 tháng triển khai (từ tháng 03/2019 đến nay), Kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) tại Bệnh viện Quân y 110 đã điều trị thành công cho 65 bệnh nhân đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu của Bệnh viện.

Bác sĩ Tuyết khuyến cáo, bệnh suy tĩnh mạch chân là bệnh lý có yếu tố gia đình và liên quan đến nghề nghiệp, chế độ ăn uống, làm việc. Để phòng ngừa, cần tránh táo bón, béo phì, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ… Cần làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục như: bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, tập dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu… Nên tránh những môn thể thao vận động chân tay mạnh như tenis, bóng rổ… Bệnh nhân mắc bệnh này khi ngủ nên kê cao chân khoảng 10-15cm so với mặt giường, sẽ giảm ứ máu tĩnh mạch.

 

Trung tá TRỊNH ĐÌNH HIỆP (Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 110)
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục