Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho sản xuất
Cập nhật ngày: 14/10/2019 15:21 (GMT +7)

Ngày 14-10, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo các báo cáo về: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.

Ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội do Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày nêu rõ, bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về nhiều vấn đề.

Cụ thể, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Mặc dù vậy, tình hình bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đàn lợn và nguồn cung trên thị trường; một số địa phương tiêu hủy không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây bệnh cho người dân. Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, dập bệnh dịch tả, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, hạn chế lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.   

Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, người quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh; còn tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn trường học; quan tâm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đáng chú ý, về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người; tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc phản ứng của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh. 


Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp

Dự thảo báo cáo tổng hợp về Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày cũng nhấn mạnh đến một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, báo cáo phản ánh, hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khoảng thời gian đầu mỗi năm học. Xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh, thậm chí là “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua Ban đại diện cha mẹ  học sinh, qua các thầy cô giáo. Việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong dư luận phụ huynh, đặc biệt là gây lo lắng, áp lực lớn đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ. Đây là hiện tượng đã tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương phát hiện xử lý nghiêm, tập thể, cá nhân vi phạm, trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên.

Góp ý cho các báo cáo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh, qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân rất quan tâm đến xử lý tiêu cực thi cử năm 2018, trong đó có tỉnh Hà Giang.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi công bố kết quả kiểm điểm cán bộ đảng viên có con được nâng điểm ở Hà Giang thì dư luận không đồng tình vì cho rằng xử lý chưa đúng đối tượng, do đó đề nghị cần xử lý đúng đối tượng.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, năm vừa qua, giá nông sản xuống rất thấp, dẫn đến hiệu quả nông nghiệp thấp. Do đó, tình trạng nông dân bỏ ruộng đang có chiều hướng gia tăng. “Ngành nông nghiệp nên khảo sát cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp”, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị.

Cũng góp ý về lĩnh vực này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua vụ dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ đã có chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời cho người chăn nuôi bị thiệt hại... Tuy nhiên, chính sách ban hành còn chậm, việc tổ chức chính sách cần khẩn trương hơn. “Theo cử tri Khánh Hòa, sau thiệt hại của cơn bão số 12 (năm 2017), Chính phủ đã ban hành Nghị định 12 hỗ trợ cho người nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong, song đến nay, bà con chưa nhận được tiền hỗ trợ....", Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh và đề nghị, sắp tới, số lượng hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cũng rất nhiều, nên việc hỗ trợ chính sách để khắc phục khó khăn cho sản xuất cần làm nhanh hơn; đồng thời cần đẩy mạnh một số chính sách mới như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm sản phẩm...để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp. 

Ngoài ra, cho ý kiến về ba báo cáo này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị báo cáo một cách công phu, đầy đủ, chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị rút ngắn báo cáo tóm tắt hơn nữa theo hướng chỉ nêu vấn đề lớn một cách khái quát, lưu ý thời lượng và bảo đảm chất lượng các báo cáo. 

QĐND
Các tin khác:
Niềm vui xuân mới (06/02/2024 07:06)

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục