Mở rộng liên kết trong nông nghiệp ở Bắc Giang
Cập nhật ngày: 19/09/2023 09:47 (GMT +7)

Thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, song việc triển khai gặp nhiều khó khăn, số mô hình đạt hiệu quả chưa nhiều. Khắc phục bất cập này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn, kịp thời sửa đổi Nghị quyết bổ sung một số nội dung về liên kết trong nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.


Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế kiểm tra chất lượng gà thương phẩm tại hộ dân liên kết ở xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế.

Trước đây, trên diện tích 34 ha đất nông nghiệp, các hộ dân ở thôn Đại Đồng 2, xã Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa) thường gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau, cho nên thời gian thu hoạch kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất vụ tiếp theo. Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế, cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt chuỗi liên kết sản xuất giống lúa VNR20 gắn với tiêu thụ tại ba thôn của hai xã: Danh Thắng, Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa) với diện tích 90 ha.

Thực hiện chuỗi liên kết, từ vụ chiêm xuân năm 2022, hơn 130 hộ dân tại thôn Đại Đồng 2 được Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - chi nhánh Ba Vì cung cấp giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp về tận ruộng thu mua toàn bộ thóc tươi của người dân với giá cao hơn thị trường từ 500-600 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Quý, ở thôn Đại Đồng 2 chia sẻ: “Tham gia chuỗi liên kết, trong ba vụ đầu tiên, chúng tôi được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, vật tư, được doanh nghiệp thu mua lúa, cho nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, người dân không còn phải lo phơi thóc mỗi khi đến vụ thu hoạch nữa. Tính ra, với một mẫu đất nông nghiệp, mỗi vụ lúa gia đình tôi thu hơn 20 triệu đồng, nhân công thực hiện các phần việc sau thu hoạch theo đó cũng giảm đáng kể”.

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/8/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Nghị quyết, đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt tám kế hoạch liên kết với tổng kinh phí hơn 92 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn tám tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các bên tham gia.

Nghị quyết số 44 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang quy định rõ nội dung và mức hỗ trợ cụ thể đối với chuỗi liên kết như: Chi phí tư vấn xây dựng liên kết; đầu tư máy móc, thiết bị; giống, vật tư thiết yếu; bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật… Với trách nhiệm của mình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương lựa chọn, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với địa bàn và có tính khả thi cao.

Qua nghiệm thu đối với bảy chuỗi liên kết, cơ quan chuyên môn đánh giá, từ khi tham gia chuỗi liên kết, người dân trách nhiệm hơn trong thực hiện quy trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi. Trong khi đó, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng yên tâm hơn về sản phẩm đầu vào phục vụ chế biến. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết: “Từ việc liên kết chăn nuôi gà đồi thương phẩm an toàn sinh học đối với 10 hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế, mỗi năm chúng tôi thu mua hơn 60.000 gà thương phẩm. Đặc biệt, sau khi kết thúc hỗ trợ, các hộ vẫn tiếp tục đồng hành, liên kết với Hợp tác xã duy trì sản xuất theo hướng an toàn sinh học”.

Thực tế, sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 44 của Hội đồng nhân dân tỉnh, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang có bước phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, làm thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên qua đánh giá, dù đã có cơ chế, chính sách nhưng số chuỗi liên kết được thực hiện ít, nhiều chuỗi được xây dựng, nhưng không thể thực hiện thành công.

Cụ thể năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các ngành, địa phương tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 32 danh mục dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, song chỉ có năm chuỗi được triển khai. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết có quy mô nhỏ, khả năng chủ động về vốn hạn chế, trong khi nguồn vốn đối ứng là rất lớn. Một số mô hình liên kết khác lại gặp khó khăn, lúng túng khi lập dự án hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ, các đơn vị chức năng tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân lập chuỗi liên kết thiếu và yếu…

Một bất cập khác là Nghị quyết số 44 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần sau khi có văn bản nghiệm thu, do vậy, các dự án, kế hoạch liên kết chậm được thanh toán phần kinh phí ngân sách do Nhà nước hỗ trợ (sau ít nhất ba vụ, tương ứng từ 1-2 năm đối với từng loại sản phẩm). Điều này dẫn đến việc cung ứng giống, vật tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã không có lãi hoặc bị lỗ khi có biến động tăng giá trên thị trường…

Tháo gỡ những khó khăn, bất cập sau ba năm triển khai Nghị quyết số 44, tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khóa 19 vào tháng 7 vừa qua đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44. Theo đó, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được điều chỉnh từ giai đoạn 2021-2025 sang giai đoạn 2021-2030.

Điều này giúp cho các mô hình cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả được triển khai. Cùng với đó tỉnh cũng đã tăng mức hỗ trợ các mô hình liên kết về giống, vật tư lên 50% nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết. Đối với phương án hỗ trợ, thay vì hỗ trợ giống, vật tư sau ba vụ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ theo từng vụ/chu kỳ sản xuất, nuôi trồng sau khi có văn bản nghiệm thu kết quả thực hiện của cơ quan thanh toán vốn.

Cùng với Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44, kỳ họp vừa qua Hội đồng nhân dân cũng thông qua hàng loạt nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây được coi là những nghị quyết tạo ra cơ hội để lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Bắc Giang có sự bứt phá về chất lượng, năng suất. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và hướng dẫn cụ thể các đơn vị để triển khai thực hiện từng nghị quyết, trong đó xác định các nội dung hỗ trợ nhằm mục đích tạo ra các chuỗi liên kết để tất cả các khâu trong chuỗi liên kết đều hưởng lợi và tăng thu nhập.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục