Thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách là chủ trương lớn của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp yếu kém, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác, một số dự án bị chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn vốn đăng ký đầu tư.


Tỉnh Thái Nguyên sẽ thu hồi dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu B-Khu công nghiệp Điềm Thụy để giao cho nhà đầu tư khác.

Khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt thu hồi các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chậm triển khai; xử lý các tồn đọng trong việc cho thuê đất, giao đất để nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án tại khu công nghiệp.

Xử lý dự án chậm tiến độ
Cách đây hơn 10 năm, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu B-Khu công nghiệp Điềm Thụy với diện tích 170 ha. Tuy nhiên, đến nay dự án mới giải phóng mặt bằng được 47 ha, thu hút được 5 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy với diện tích cho thuê 7 ha, diện tích còn lại đang đầu tư hạ tầng.

Ông Tạ Trung Kiên, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, san nền, xây dựng hạ tầng giao thông nội bộ, trạm xử lý nước thải tại Khu B-Khu công nghiệp Điềm Thụy, nhưng đã phải dừng mọi hoạt động từ cuối năm 2021 vì cơ quan có thẩm quyền thông báo dự án thuộc diện phải thu hồi vì chậm tiến độ nhiều năm".

Từ khi dừng đầu tư hạ tầng, đến nay các hạng mục xây dựng tại Khu B-Khu công nghiệp Điềm Thụy lâm vào tình trạng dở dang, 30 ha đất đã giải phóng mặt bằng chưa được đưa vào sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí lớn. Mặt khác, dự án dừng triển khai, hạ tầng không hoàn thiện, gây úng ngập một số diện tích đất canh tác của người dân địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Trung Thành được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch. Sau đó, dự án đã giải phóng mặt bằng được hơn 40 ha, chủ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng khu công nghiệp, như đường giao thông, hệ thống cấp-thoát nước và đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng khoảng 20 ha còn lại, nhiều năm qua nhà đầu tư không hoàn thiện hạ tầng, bỏ hoang.

Ngoài ra, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu B-Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, đã được đầu tư hạ tầng và xây dựng Nhà máy Đúc gang và Thép hợp kim cao cấp, nhưng nhà máy "đắp chiếu", nguồn lực đất đai bỏ hoang, hàng chục héc-ta bên cạnh chưa hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho ba dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp nêu trên chậm tiến độ, dở dang nhiều năm do năng lực của các chủ đầu tư yếu, không có khả năng đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành liên quan đã có một số giải pháp để giải quyết vướng mắc đối với các dự án này, nhưng chưa có kết quả.

Khơi thông nguồn lực đầu tư
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết: "Chúng tôi đã mời đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn APEC làm việc nhiều lần, song vẫn chưa thống nhất được các số liệu cụ thể, chưa đồng thuận về phương án xử lý dự án. Thời gian tới, khi đạt được sự thống nhất về phương án với nhà đầu tư, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên thu hồi dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu B-Khu công nghiệp Điềm Thụy, sau đó triển khai các thủ tục theo quy định để giao cho nhà đầu tư khác thực hiện các công việc tiếp theo, như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch, thu hút nhà đầu tư dự án thứ cấp thuê đất, xây dựng nhà máy nhằm phát huy nguồn lực đất đai".

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ rà soát thực trạng, có phương án, giải pháp phù hợp đối với các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp Trung Thành và Khu B-Khu công nghiệp Nam Phổ Yên để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai kéo dài.

Cuối năm 2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên ký biên bản thỏa thuận cho Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Kim Tín Sông Công thuê 13,5 ha để triển khai dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Sông Công II trong vòng 50 năm với tổng số tiền gần 130 tỷ đồng. Ngay sau đó, đơn vị đã nộp 74 tỷ đồng tiền thuê đất và cam kết sẽ nộp hết số tiền thuê khi ký hợp đồng thuê đất, được giao đất.

Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa được giao đất cho nên không thể triển khai được dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Công II. Đại diện Công ty Kim Tín Sông Công bức xúc, việc chậm trễ ký hợp đồng thuê đất, giao đất đã khiến cho công ty lỡ thời cơ đầu tư, kinh doanh, gây thiệt hại lớn.

Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II có diện tích 250 ha, do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Đến nay, khu công nghiệp này đã cơ bản được các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê hết diện tích, số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng như Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Kim Tín Sông Công, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tại khu công nghiệp đã tạm nộp tiền thuê đất, nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất, giao đất, làm các thủ tục khác để triển khai dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định do chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, chậm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hạ tầng chưa hoàn thiện, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, chậm ban hành giá thuê đất, xác định thẩm quyền cho thuê đất.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp, làm việc với các bộ, ngành để giải quyết ách tắc, vướng mắc về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng rừng, ban hành giá thuê đất, thẩm quyền cho thuê đất Khu công nghiệp Sông Công II.

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết: Khi ách tắc, vướng mắc cơ bản được giải quyết, chúng tôi đã và đang tích cực giải phóng mặt bằng diện tích còn lại, hoàn thiện xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư thứ cấp để thống nhất giá thuê đất, hợp đồng thuê đất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng cho các nhà đầu tư thứ cấp triển triển khai dự án sản xuất, kinh doanh nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục