Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta trưởng thành và chiến thắng, hơn ai hết Người hiểu rõ vị trí, vai trò của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Nghiên cứu những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân, chúng ta thấy, Bác thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội có đạo đức cách mạng, trong sáng. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân phải có đạo đức làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang... Bác dạy: “Người cán bộ phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được”. Theo Bác, tiêu chuẩn cán bộ bao gồm cả 2 mặt: đức và tài, phẩm chất và năng lực không thể thiếu mặt nào. Trước hết, Người chú trọng đến đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ cách mạng, Người chỉ rõ: “Người làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Trong nhiều bài viết, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, Bác thường nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó tập trung và nổi bật là đạo đức: “cần, kiệm, liêm, chính”. Người coi việc rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân nói riêng, cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước là công việc hết sức hệ trọng, phải làm thường xuyên, liên tục, đây không chỉ là “công việc của Đảng”, mà là công việc của mỗi người cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là bốn đạo đức cơ bản của con người như “trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, thiếu một mùa không thành trời, thiếu một phương không thành đất, thiếu một đức không thành người”.  


Bác Hồ với các chiến sĩ ở Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kì ở cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, ra sức học tập, phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng. Nếu khi lợi ích của Đảng và của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng. Và, Người khẳng định: “Tiêu chuẩn số một của người cán bộ cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Như vậy, đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân là phải ra sức học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì Đảng, vì dân mà chiến đấu quên mình, gương mẫu trong mọi công việc của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. 

Người đặc biệt quan tâm đến việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người cán bộ, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Muốn vậy, người cán bộ phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu là 3 thứ “giặc nội xâm”; đồng thời phải chống cả chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc đẻ ra đủ loại tệ nạn, làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng. Theo Bác, cán bộ “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ? Phạm vào tham ô lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”. Cho nên: “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Mặt khác, trong khi nhấn mạnh đạo đức là cái gốc của người cách mạng, Bác không coi nhẹ tài năng. Người dạy: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn”; “cán bộ ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành đó”. Điều này, hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Lênin: “Phải học tập tất cả mọi cái, học từ những điều sơ thiểu nhất trở đi”. 

Trong tình hình hiện nay, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là một nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm “nâng cao ý thức tự bảo vệ, tự đề kháng của cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên trước những âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy chế, chính sách quản lý cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đảng ta yêu cầu: “Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo chú trọng cả hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong đó lấy xây dựng là chính; đồng thời, phải chủ động và có giải pháp đúng kết hợp chặt chẽ giữa chủ động ngăn chặn, phòng ngừa từ xa với chủ động tiến công làm thất bại âm mưu và ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, là phương châm đúng đắn, thể hiện rõ tư tưởng cách mạng tiến công trong chỉ đạo cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ trong tình hình mới.

 Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng)     

 

Đại tá, PGS, TS TRẦN NAM CHUÂN Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục