Sáng 10-6, tại Hà Nội, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo khoa học “Chủ trương giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ nhiệm vụ của quân đội”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với 43 điểm cầu trong toàn quân. Tham dự hội thảo có Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng; đại biểu cơ quan chức năng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng...

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Quân khu 1 có Thiếu tướng Trần Văn Kình, Phó tư lệnh Quân khu; Đại tá Hoàng Văn Năm, Phó tham mưu trưởng Quân khu; đại biểu một số phòng chức năng của Quân khu.


Thượng tướng Lê Huy Vịnh chủ trì hội thảo. Ảnh: QĐND

Hội thảo với mục đích nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lan tỏa tinh thần và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động để các cơ quan, đơn vị chủ động đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nhiệm vụ, công việc cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; đề xuất các chủ trương, giải pháp, định hướng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.


Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Bộ Quốc phòng.  Ảnh: QĐND


Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Quân khu 1.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Quốc phòng đã chủ động trong công tác dự báo, nắm tình hình triển khai nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng và đạt được một số kết quả nhất định thông qua triển khai các đề án, dự án, chương trình khoa học công nghệ, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Các cơ quan đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, năng lực sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hàm lượng công nghệ cao có sự chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh những thành tựu kết quả đã đạt được, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cũng chỉ ra những hạn chế nhất định liên quan đến nhận thức, tính chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; nội dung chuyển đổi số, hạ tầng còn chưa đồng bộ; số lượng sản phẩm và mức độ ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa nhiều; thể chế chính sách còn bất cập; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu... Những hạn chế này có những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, năm 2022 Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 791-NQ/QUTW và Nghị quyết số 20-NQ/TW về lãnh đạo công tác khoa học quân sự; đồng thời xây dựng nghị quyết mới để triển khai thực hiện đến năm 2030. Chính vì vậy nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với công tác khoa học và công nghệ là rất nặng nề, đòi hỏi phải có những chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện để đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.


Thiếu tướng Trần Văn Kình, Phó tư lệnh Quân khu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Văn Kình, Phó tư lệnh Quân khu trình bày tham luận “Một số vấn đề ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong tự động hóa chỉ huy phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của LLVT Quân khu”. Theo đó, từ năm 2011-2013 Quân khu 1 được Bộ Quốc phòng giao triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ huy tham mưu và quản lý điều hành LLVT Quân khu. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu ứng dụng của dự án trên, từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Quân khu 1 thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ tự động hóa chỉ huy trong tác chiến phòng thủ Quân khu”. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay, đề tài đã được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng nghiệm thu cấp cơ sở, đánh giá đạt chất lượng tốt. Đề tài được áp dụng, triển khai trong thực tế sẽ góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh; đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến, xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội nói chung và LLVT Quân khu nói riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến hiện đại...

MẠNH NGUYÊN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục