Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Phát huy vai trò cựu chiến binh ở tỉnh Bắc Giang
Cập nhật ngày: 27/03/2020 10:14 (GMT +7)

Trở về địa phương sau những tháng quân ngũ, mỗi cựu chiến binh (CCB) có hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại đều nỗ lực vươn lên chiến thắng đói nghèo. Dù cuộc sống còn gặp khó khăn nhưng tinh thần đồng chí, đồng đội, chia ngọt sẻ bùi của các cựu binh Bắc Giang vẫn được phát huy trong thời bình.

Kỳ I: Giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ

Không cam chịu đói nghèo

Sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, trở về địa phương, nhiều người lính phải đối mặt với cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đói nghèo. Song chính chất “lính” Cụ Hồ được tôi rèn trong những năm tháng quân ngũ đã tiếp cho họ sức mạnh để chiến thắng. “Từ chiến trường trở về, hai bàn tay trắng, với mảnh vườn nho nhỏ, thiếu phương tiện sản xuất, sức khỏe yếu, khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi chỉ nghĩ phải làm gì đó để không trở thành gánh nặng cho vợ con và xã hội” - CCB Nguyễn Quang Vinh (SN 1946), bệnh binh mất sức 42% ở thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) nhớ lại. Cứ hết trồng lúa, màu lại chuyển sang làm vườn nhưng gia đình ông chỉ đủ ăn. Đến năm 2012, sau khi các con đi lao động ở Hàn Quốc trở về, dù vợ con can ngăn, ông vẫn quyết chặt bỏ hết cây ăn quả, dỡ nhà để xây dựng xưởng, thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Yến Duy với ngành nghề chính là may công nghiệp. Khi mới thành lập, chỉ có 30 máy may nhưng ông gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, ông đã mạnh dạn ký hợp đồng trực tiếp với một số doanh nghiệp Hàn Quốc. Đến nay, doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trong đó có hơn 20 người là vợ, con các CCB, cá biệt có những người đã bước qua tuổi 60. Ông Vinh cho biết thêm: “Đã cùng nhau xông pha trên chiến trường, do vậy, chỉ cần người thân đồng đội muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì tôi sẽ bố trí công việc phù hợp”. Được biết, ông Vinh cùng các con đang xây dựng thêm nhà xưởng để mở rộng sản xuất ở huyện Yên Thế và tỉnh Thanh Hóa. 

Đến thăm trang trại của CCB Tô Hiến Thành, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự quy củ, khoa học. Trên diện tích 6ha, các dãy chuồng trại, khu xử lý, giết mổ, ao cá… được quy hoạch riêng biệt, khép kín. Năm 2011, ông vận động 7 CCB khác thành lập HTX chăn nuôi Trường Thành. Nhờ tuân thủ các tiêu chí, năm 2016, HTX được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Đầu năm 2017, HTX được công nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thành còn hỗ trợ hàng trăm hội viên CCB bằng cách chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch chuồng trại, chăm sóc đàn lợn, chế biến thức ăn theo quy trình an toàn. Hiện khoảng 10 trang trại của hội viên CCB đã bắt đầu thử nghiệm theo hướng này. Riêng các xã viên HTX, ông dành thời gian đến từng trang trại hướng dẫn kỹ thuật theo cách cầm tay chỉ việc. Đặc biệt, thời điểm giá thịt lợn trên thị trường giảm mạnh vừa qua, ông Thành đã hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho trang trại của gia đình CCB Nguyễn Văn Hùng ở thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm và CCB Nguyễn Văn Nghiệp ở thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng. Mỗi tháng, từ hai trang trại này, bình quân ông cung cấp khoảng 40 tấn thịt lợn cho thị trường Hà Nội. 


CCB Nguyễn Quang Vinh (Quỳnh Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang) kiểm tra hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Anh

Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn mô hình CCB phát triển kinh tế và giúp nhau làm giàu chính đáng trên địa bàn tỉnh. Đồng hành cùng hội viên, hằng năm, Hội CCB tỉnh còn phối hợp mở hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên; tổ chức tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Hội còn tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Hiện các cấp hội CCB duy trì hoạt động 409 tổ vay vốn, giúp gần 13 nghìn hộ hội viên vay vốn để duy trì, mở rộng sản xuất. Cùng với tổ chức hội ở cơ sở, với phương châm “đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển”, hoạt động của Hội Doanh nhân CCB tỉnh cũng thu hút hơn 80 hội viên tham gia và là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.


Ấm tình đồng đội

Trong kháng chiến, họ là những người đồng chí, đồng đội; trong cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên nghĩa tình thắm thiết. Không chỉ làm giàu cho mình, nhiều CCB còn tích cực hỗ trợ những người đồng chí, đồng đội. Điển hình như CCB Lê Văn Định ở thôn Hòa Minh, xã Hợp Đức (Tân Yên). Ông Định hiện có hơn 4.200m2 cây ăn quả như: Táo, ổi Đài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh… Trung bình mỗi năm, ông đưa ra thị trường khoảng một vạn cây giống các loại, trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. Là người có kiến thức chuyên môn lại có nhiều năm làm vườn, ông Định hướng dẫn nhiều hội viên CCB quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đối với từng loại cây. Ngoài ra, ông còn cung cấp giống với giá rẻ hơn 10% so với giá thị trường. Đồng đội nào hoàn cảnh khó khăn, ông Định hỗ trợ bằng cách tặng cây giống và cho họ trả chậm.

Với gần 11 nghìn hội viên CCB, trong đó có 188 hộ nghèo, 50 hộ ở nhà dột nát, đầu năm nay, Hội CCB huyện Yên Dũng phát động phong trào quyên góp giúp đỡ xóa nhà tạm đến toàn thể hội viên với mức 10 nghìn đồng/người. Chỉ sau hơn một tháng phát động đã đóng góp được 150 triệu đồng. Từ số tiền này, 17 ngôi nhà dột nát của các CCB đã được nâng cấp. Theo dự kiến, đến năm 2020, toàn huyện không còn hội viên CCB phải ở nhà tạm, dột nát. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, quá trình cải tạo nhà ở, hội viên còn tham gia đóng góp ngày công và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ thêm.Tương tự, tại TP Bắc Giang, từ năm 2017 đến nay, mô hình 10 hộ hội viên khá, giàu giúp đỡ 1 hộ hội viên khó khăn (gọi tắt là mô hình 10+1) được Hội CCB triển khai ở các cơ sở và mang lại hiệu quả thiết thực. Tại phường Dĩnh Kế, 12/12 chi hội đã ra mắt mô hình. Tùy từng hoàn cảnh, mỗi hội viên đóng từ 10 nghìn đồng trở lên. Ngay năm đầu triển khai, đã giúp đỡ 3 hội viên thoát nghèo. Năm nay, CCB phường sẽ dồn sức giúp đỡ CCB khó khăn Nguyễn Thị Hái (SN 1953) ở tổ dân phố Giáp Sau làm nhà ở. “Tình cảm, sự sẻ chia của đồng chí, đồng đội là động lực để tôi vươn lên, gắng sức lo cho con cháu”, bà Hái tâm sự. Tại các phường: Trần Nguyên Hãn, Thọ Xương, hội viên giúp nhau về giống cây trồng, vật nuôi. Hội CCB phường Lê Lợi phối hợp với các đoàn thể xây dựng mô hình “Quầy hàng 0 đồng dành cho người nghèo”. Từ sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân, đến nay, quầy hàng vẫn mở đều đặn vào Chủ nhật của tuần cuối tháng. Ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch Hội CCB TP cho biết: “Đến nay các cấp Hội CCB TP đã xây dựng 45 “mô hình 10+1”, giúp đỡ 42 hội viên có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống. Đây là mô hình hay, hiệu quả, do đó thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng ở các chi hội, giúp những gia đình hội viên đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững”.
(còn nữa)

Kỳ II: Gương mẫu, trách nhiệm, đi đầu thực hiện nhiệm vụ

Việt Anh-Sỹ Quyết
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục