Cột mốc mới của trực thăng AH-64E Guardian
Cập nhật ngày: 20/04/2020 09:57 (GMT +7)

Nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ vừa công bố bàn giao trực thăng tấn công AH-64E Guardian thứ 500 cho khách hàng.

Trong thông báo được đưa ra, Boeing khẳng định với 500 chiếc phục vụ trong Lục quân Mỹ và quân đội các quốc gia khác trên thế giới, trực thăng AH-64E Guardian đã chứng minh được độ tin cậy và khả năng đáp ứng nhiệm vụ đa dạng của mình.

Hiện tại, dây chuyền sản xuất và các hoạt động thử nghiệm cho trực thăng AH-64E Guardian tại cơ sở sản xuất của nhà thầu này ở thành phố Mesa, bang Arizona vẫn được duy trì dù tình hình dịch Covid-19 ở Mỹ đang rất phức tạp.

Phó chủ tịch phụ trách mảng trực thăng của Boeing, ông Steve Parker khẳng định, kể từ khi xuất xưởng máy bay AH-64E Guardian đầu tiên vào năm 2011, những nâng cấp đáng giá của phiên bản này đảm bảo năng lực sẵn sàng chiến đấu cao của bất cứ lực lượng quốc phòng nào sở hữu máy bay.


Trực thăng AH-64E Guardian. Ảnh: US Army.

Dòng trực thăng Apache AH-64 Guardian được ví như một cỗ xe tăng bay, có khả năng tham gia vào các cuộc tấn công hạng nặng. Sự khác biệt giữa phiên bản AH-64E so với các phiên bản máy bay trực thăng tấn công Apache trước đó là việc sử dụng cánh quạt chính mới làm bằng vật liệu composite cho phép giảm thiểu tiếng động phát ra.

Trang bị vũ khí chính của trực thăng AH-64E Guardian là một súng đại bác bắn nhanh M230 cỡ nòng 30mm điều khiển tích hợp qua mũ phi công và rocket Hydra 70. Tùy vào nhiệm vụ, máy bay có thể trang bị thêm tên lửa Hellfire, Stinger hay Sidewinder.

Nhờ trang bị động cơ mới T700-GE-701D mạnh hơn, trực thăng AH-64E Guardian đạt tốc độ tối đa lên tới 300km/h khi bay thấp, tầm hoạt động vào khoảng 2.000km. Nó chính là mối hiểm họa đối với bộ binh và các phương tiện cơ giới của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.

Đặc biệt, máy bay còn có thể tích hợp hệ thống Hợp tác có người lái và không người lái (MUM-T) cho phép trực thăng AH-64E Guardian điều hành bay và xem được băng video theo thời gian thực từ những máy bay không người lái (UAV) gần đó. Nhờ vậy, trực thăng có thể bám đuổi và tấn công các mục tiêu tốc độ cao ở khoảng cách xa bằng các cảm biến của UAV.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục