Đã đến lúc châu Âu tự lo an ninh cho mình?
Cập nhật ngày: 30/06/2020 15:52 (GMT +7)

Trong khi Mỹ đang chuẩn bị các phương án cắt giảm quân đồn trú tại Đức theo quyết định của Tổng thống Donald Trump, ở châu Âu lại dấy lên mối lo ngại nếu phần lớn binh sĩ này không được bố trí lại tại các địa điểm khác ở châu lục sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trên “lục địa già”…

Cho tới nay, sau khi ông Donald Trump tuyên bố rút một phần quân đội Mỹ khỏi Đức, vẫn chưa có thông tin xác thực nào cho biết lực lượng này sẽ được tái bố trí ở đâu hay rút về Mỹ? Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 29-6 đệ trình lên tổng thống các phương án cắt giảm quân tại Đức. Thông tin từ hai quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết, một số binh sĩ Mỹ trong số 9.500 binh sĩ được rút khỏi Đức sẽ được bố trí triển khai sang các nước Đông Âu, còn lại sẽ trở về nước. Hai quan chức này không tiết lộ tên quốc gia mà số lính Mỹ sẽ chuyển tới. 

Hiện nay, theo các thông tin trước đó, Ba Lan có thể sẽ nằm trong lựa chọn của Mỹ. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng hôm 24-6, Tổng thống Donald Trump đã đề cập khả năng chuyển quân từ Đức sang Ba Lan. Sau cuộc họp báo, ông Donald Trump đã khẳng định: “Một số binh sĩ Mỹ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó. Quyết định của ông Donald Trump được người đồng cấp Ba Lan cho là “rất hợp l‎ý”. 


Lính Mỹ đóng tại cảng Bremerhaven của Đức. Ảnh: Getty Images. 

Ba Lan cũng đã tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận số binh sĩ Mỹ rút từ Đức. Trước chuyến thăm tới Mỹ của Tổng thống Andrzej Duda, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết, Ba Lan đã chuẩn bị để binh lính Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc gia châu Âu.

Nếu kế hoạch rút quân được thực hiện, lực lượng Mỹ đồn trú tại Đức sẽ giảm từ 52.000 quân xuống còn 25.000 quân. Nhưng chưa rõ trong số lực lượng rút đi sẽ có bao nhiêu quân được tái bố trí ở châu Âu? Chính điều này đã làm gia tăng những tiếng nói kêu gọi “lục địa già” cần phải gia tăng trách nhiệm trong chính sách quốc phòng của mình nhằm tự bảo đảm an ninh trong trường hợp số lượng quân đồn trú của Mỹ ở châu Âu sụt giảm lớn. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng ở châu Âu lo ngại khả năng bước đi của Mỹ sẽ làm thay đổi cấu trúc an ninh ở châu lục này. Dù sao Đức vẫn được coi là nền tảng trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Mỹ ở châu Âu.

Chưa rõ hệ luỵ của việc Mỹ rút quân sẽ ra sao, nhưng chắc chắn các nước châu Âu sẽ phải tự “gồng gánh” vấn đề an ninh của mình khi tấm lá chắn hạt nhân của Mỹ không còn được như trước. Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Thomas Kleine-Brockhoff, Phó chủ tịch Quỹ Marshall (Đức), “bước đi này sẽ dẫn đến đâu và lỗ hổng an ninh nào sẽ được tạo ra, điều đó vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng”. Đức, quốc gia đầu tàu ở châu Âu có thể sẽ tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các “điểm nóng” của thế giới thay cho vai trò của Mỹ, được cho là đang chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Chuyên gia Thomas Kleine-Brockhoff tỏ ra tin tưởng vào khả năng của Đức, bởi quốc gia này đã xử lý tốt các cuộc khủng hoảng nhờ vào tiềm lực tài chính dồi dào, đơn cử như cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 và giờ đây là đại dịch Covid-19. Theo ông, sự hợp tác cùng châu Âu có thể giúp bảo đảm an ninh của Đức cũng như “lục địa già” mà không cần tới sự hỗ trợ của Mỹ. 

Nếu được như vậy, đối với châu Âu, việc rút quân của Mỹ khỏi Đức chưa hẳn đáng lo ngại. Việc giảm bớt quân số của lực lượng Mỹ sẽ khiến “lục địa già” gắn kết hơn về quốc phòng, thúc đẩy hợp tác nội khối trong nhiều vấn đề quân sự. Giới chuyên gia cho rằng, nếu Đức và Pháp hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, Berlin và Paris có thể tạo nên sức mạnh chung và là thách thức cho bất kỳ đối thủ chính trị và quân sự nặng ký nào của châu Âu. Pháp đã có lá chắn hạt nhân của riêng mình và được gọi là “lực lượng răn đe hạt nhân”. Để có được khả năng này, Pháp đã tiêu tốn rất nhiều tiền trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đổi lại, Pháp không phải quá phụ thuộc vào Mỹ và NATO trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chuyên gia Thomas Kleine-Brockhoff cũng cảnh báo, nếu lá chắn hạt nhân của Mỹ và sự tham gia của nước này trong việc bảo vệ an ninh cho châu Âu và các nơi khác bị đặt dấu hỏi, các quốc gia vừa và nhỏ sẽ có nhu cầu trở thành cường quốc hạt nhân. Điều này mới thực sự là nguy hiểm vì một cuộc chạy đua hạt nhân là điều không ai mong muốn trong một thế giới luôn vất vả tìm kiếm hòa bình và ổn định như hiện nay. 

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục