Trong 13 năm qua, hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực, là động lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN trở nên mạnh mẽ hơn, gắn kết sức mạnh cả trong và ngoài khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng đã khẳng định như vậy tại Hội thảo Kênh II Mạng lưới các viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ASEAN (NADI) khai mạc sáng 3-10, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cách đây 13 năm, ADMM+ chính thức được thiết lập với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN cùng 8 nước đối tác đối thoại (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ). Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy hợp tác quốc phòng ASEAN có bước phát triển hết sức năng động, không chỉ trong khuôn khổ Hiệp hội mà còn mở rộng với các đối tác ngoài khu vực.


Các trưởng đoàn tham dự hội thảo.

ADMM+ cho đến nay là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, là một bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực và bổ sung cho các diễn đàn khu vực hiện có, đóng vai trò là nền tảng cho hợp tác trên thực tế và có ý nghĩa giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực vì lợi ích an ninh chung.

"Sự ra đời của ADMM+ được coi là mốc đánh dấu sự phát triển mới trong hợp tác quốc phòng, an ninh của ASEAN nhằm tăng cường hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực Đông Nam Á; thể hiện nỗ lực vượt bậc, ý chí và quyết tâm chính trị, tinh thần đoàn kết ASEAN. Đồng thời, đây cũng là sự mở đầu tốt đẹp của một cơ chế an ninh mới, tạo cơ hội cho tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh trong nội bộ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại nhằm xây dựng lòng tin, ứng phó với các thách thức an ninh chung và khẳng định cam kết đối với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như những nguyên tắc cơ bản về chủ quyền, bình đẳng, không can thiệp, đồng thuận, thống nhất trong đa dạng", Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết nhấn mạnh.

ADMM+ đã tạo thêm nhiều cơ hội để Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) có thể tranh thủ cũng như kết hợp hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, thông qua 7 lĩnh vực hợp tác, gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo, an ninh mạng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân bên lề hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, kể từ khi ADMM và ADMM+ được thiết lập (lần lượt vào các năm 2004 và 2010), hợp tác quốc phòng trong nội bộ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, tăng cường lòng tin giữa các quốc gia. ADMM và ADMM+ cùng các sáng kiến hợp tác thực chất đã phát huy tác dụng, tạo cho khu vực một bầu không khí hợp tác và liên kết ngày càng chặt chẽ.

"Tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN cho đến nay rất thành công, đóng góp thiết thực vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực", Thiếu tướng Viengxay Somvichith, Cục trưởng Cục Khoa học Lịch sử Quân sự/Bộ Quốc phòng Lào nhận xét.

Theo Thiếu tướng Viengxay Somvichith, thành công của hợp tác quốc phòng ASEAN thời gian qua có những đóng góp tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam. Trong khi đó, ông Lawrence Anderson, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đặc biệt nhấn mạnh rằng Việt Nam-một quốc gia "vươn lên từ tro tàn chiến tranh để thành công như hiện nay", là một thành viên quan trọng của ASEAN trong mọi lĩnh vực hợp tác, trong đó có quốc phòng.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, phải thừa nhận rằng hợp tác của ASEAN trong ADMM+ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến động địa chính trị thế giới và khu vực. “Tiến thoái lưỡng nan” là cụm từ được nhiều chuyên gia sử dụng khi đề cập đến khó khăn của ASEAN trong việc đưa ra lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp khi cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường đặt ra những thách thức đối với khả năng điều phối và vai trò trung tâm của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực.

"Trong bối cảnh môi trường chính trị-an ninh thế giới, khu vực đang diễn biến rất phức tạp, hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều thách thức mới. Thực tế đó đòi hỏi ASEAN cần không ngừng tăng cường năng lực và khả năng tự cường để củng cố, phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực, trong đó có ADMM+, nâng cao hiệu quả hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh chung vì an ninh, lợi ích của mỗi nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và trên toàn thế giới", Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết nêu rõ.

Kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay, NADI đã phát huy được vai trò của một diễn đàn tư vấn cho ADMM về các vấn đề quốc phòng, an ninh khu vực, đề xuất các chủ trương, giải pháp tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Với chủ đề “Tăng cường năng lực và khả năng tự cường của ASEAN trong ADMM+ trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu”, hội thảo NADI lần này diễn ra trong hai ngày 3 và 4-10, thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu quốc phòng, an ninh các nước ASEAN. 

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục