Hệ thống APS - “Tấm khiên” đúng nghĩa
Cập nhật ngày: 25/10/2019 09:02 (GMT +7)

Một hệ thống phòng thủ chủ động (APS) nói chung thường được áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Nó có nhiệm vụ ngăn chặn hoặc cản trở tên lửa chống tăng có điều khiển và các phương tiện, khí tài khác tiêu diệt hay tiếp cận mục tiêu.

Các hệ thống APS được chia thành 2 loại: Chế áp mềm (soft kill) và Chế áp cứng (hard kill).

Chế áp mềm

Việc thay đổi điện từ, âm thanh hoặc dấu hiệu đặc trưng khác của mối đe dọa sắp tới (ví dụ, tên lửa dẫn đường) để từ đó thay đổi khả năng dẫn đường hay chỉ thị mục tiêu của nó được coi là các biện pháp chế áp mềm.


Một thiết bị chế áp mềm trang bị trên máy bay vận tải quân sự Transall C-160. Ảnh: The Info List.

Ngay từ đầu những năm 2000, nhiều hãng hàng không đã trang bị các biện pháp đối phó như mảnh kim loại hay pháo sáng trước những mối đe dọa có thể đến từ tên lửa vác vai đối với máy bay thương mại. Đặc biệt, năm 2002, một máy bay của hãng El Al Israel Airlines (Israel) đang bay ở độ cao hơn 150m trong không phận Mombasa, Kenya, thì bị tấn công bằng tên lửa vác vai. Chính vì vậy, nước này đã phát triển một hệ thống chống tên lửa sử dụng radar và pháo sáng để phát hiện và làm chệch hướng tên lửa.


Một khối chứa đạn pháo sáng trang bị cho trực thăng CH-146 Griffon. Aviation Week.

Tuy nhiên, lo ngại về khả năng gây cháy sân bay, nhiều quốc gia châu Âu đã cấm những máy bay tích hợp thiết bị này hạ cánh xuống sân bay của mình. Đến năm 2007, nhà thầu Saab của Thụy Điển đã đưa ra một một giải pháp có tên gọi Hệ thống bảo vệ máy bay dân dụng khỏi tên lửa (CAMPS) để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA).


Máy bay Airbus A400M thực hành phóng pháo sáng đánh lừa tên lửa đối phương. Ảnh: Flight Global.

Đạn pháo sáng cũng là một khí tài phổ biến được trang bị trên xe thiết giáp, máy bay, trực thăng nhằm “làm mù” hoàn toàn tên lửa chống tăng, tên lửa đất đối không (SAM), tên lửa không đối không (AAM).

Trong khi đó, với những tên lửa dẫn đường bằng radar, người ta sẽ sử dụng mồi bẫy. Chúng thường được cấu thành từ sợi thủy tinh tráng đồng trắng hoặc sợi nylon tráng bạc. Những sản phẩm mới, trong đó có hệ thống tác chiến điện tử BriteCloud, được áp dụng công nghệ tạo xung radar mô phỏng để thu hút các loại tên lửa dẫn đường bằng radar.


Bẫy mồi BriteCloud trang bị trên tiêm kích JAS 39 Gripen. Ảnh: New Atlas.

Ngoài ra, các phương tiện của lực lượng bộ binh và hải quân còn trang bị lựu đạn khói giúp che phủ đội hình, ngăn cản đầu dò laser, phát hiện nguồn phát hồng ngoại, tia laser hay các thiết bị quang học... để từ đó đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả.

Chế áp cứng

Các biện pháp đánh chặn bằng xung lực của lượng nổ hay các vật liệu khác nhằm tiêu diệt đầu đạn, đạn pháo, rocket, tên lửa đang nhắm tới được gọi là các biện pháp chế áp cứng.

Đối với các phương tiện bọc thép trên mặt đất như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe chiến thuật hạng nhẹ..., các hệ thống APS đặc biệt phát huy tác dụng nhằm chống lại vũ khí vác vai, tên lửa chống tăng của đối phương.


Xe tăng M1 Abrams của Lục quân Mỹ lắp đặt hệ thống APS Trophy. Ảnh: Defense News.

Nhiều nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đã nghiên cứu, phát triển các hệ thống APS đặc thù như: Iron Curtain (Mỹ), Trophy, Iron Fist (Israel), GL5 (Trung Quốc), AMAP-ADS (Đức), Arena, Drozd (Nga)...

Bên cạnh đó, một vòng bảo vệ khác dành cho xe bọc thép chính là giáp phản ứng nổ (ERA). Hệ thống này bao gồm các khối thuốc nổ đặt trong các hộp thép bên ngoài giáp chính của xe, có tác dụng vô hiệu hóa hoặc giảm khả năng công phá của đạn chống tăng, tên lửa của đối phương.


Xe tăng Challenger 2 của Anh trang bị giáp ERA. Ảnh: Reddit.

Một ví dụ khác về hệ thống chế áp cứng là việc sử dụng tên lửa tầm ngắn hoặc súng máy bắn nhanh để bảo vệ tàu chiến hoặc các cơ sở hạ tầng xây kiên cố trước các cuộc tấn công của tên lửa hành trình, bom, đạn pháo.

Ngoài ra, những hệ thống tên lửa phòng không chống tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân (ICBM) cũng được liệt vào danh sách này. Mỹ có 3 hệ thống là Patriot, THAAD và Standard SM-3, trong khi Nga đang khai thác các hệ thống S-300, S-400 và A-135.


Súng bắn nhanh Phalanx trang bị trên tàu chiến. Ảnh: Pinterest.


Vũ khí laser có thể là tương lai của các hệ thống phòng thủ. Ảnh: USNI News.

Ngày nay, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu, phát triển vũ khí năng lượng định hướng (bao gồm tia laser, chùm hạt) hay vũ khí ray điện từ (railgun) để đối phó với các loại tên lửa như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình siêu thanh...

Như vậy, dù là thuộc chế áp cứng hay chế áp mềm, thì những hệ thống APS hiện nay đều được coi là tấm áo giáp quan trọng cho các phương tiện bọc thép, máy bay, tàu chiến khỏi các mối đe dọa đến từ vũ khí của đối phương.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục