Khát vọng đổi ngôi
Cập nhật ngày: 20/08/2020 08:07 (GMT +7)

Dường như không ai ngạc nhiên khi cựu Phó tổng thống Joe Biden chính thức được đề cử làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống Mỹ 2020. Đây không đơn thuần là chiếc vé nhằm chính thức hóa việc ông Joe Biden tham gia cuộc đua “song mã” vào Nhà Trắng cùng đương kim Tổng thống Donald Trump mà còn là minh chứng cho thấy những người Dân chủ đang đặt trọn niềm tin vào Joe Biden, vào một “cuộc lật đổ” mà họ canh cánh trong lòng suốt gần 4 năm qua.

Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 17 đến 20-8 tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin quả là sự kiện có một không hai trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn được miêu tả là chưa bao giờ thiếu đi sự rình rang và hoành tráng. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến đại hội ở Wisconsin không có những đám đông reo hò, những lời tung hô, những màn thả bóng bay rợp trời và bắt mắt như người ta vẫn thường thấy, mà thay vào đó, sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình và internet. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, ngay cả khi diễn ra theo cách “phi truyền thống” như thế, cuộc hội tụ quan trọng ở Wisconsin vẫn phả ra hơi thở đầy tính thời sự, khiến dư luận cảm nhận rõ hơn sự ganh đua quyết liệt trên chính trường Mỹ.


Cựu Phó tổng thống Joe Biden. Ảnh: TTXVN.

Xét trên khía cạnh nào đó, đại hội lần này thực chất chỉ là sự kiện mang tính thủ tục nhằm chính thức hóa việc cựu Phó tổng thống Joe Biden trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ sau khi ông giành được sự ủng hộ của hơn 1.991 đại biểu cam kết cần thiết trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Đúng ra mà nói, ngay từ khi đối thủ mạnh nhất của ông Joe Biden là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố từ bỏ cuộc đua vào tháng 4 vừa qua, dư luận đã có thể khẳng định chắc chắn rằng, không ai khác ngoài Joe Biden sẽ được “lĩnh ấn” giúp Đảng Dân chủ trở lại với chiếc ghế quyền lực trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Dù mang chủ đề chính là “Đoàn kết nước Mỹ”, song mục tiêu cốt lõi của đại hội đang diễn ra thực chất là nhằm kêu gọi sự đoàn kết trước hết từ trong nội bộ Đảng Dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Dân chủ chọn cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, một trong những phụ nữ được yêu thích nhất tại xứ cờ hoa trong vài năm trở lại đây cho bài phát biểu trong đêm đầu tiên của đại hội. Theo những gì mà báo chí miêu tả, bà Michelle Obama đã tỏa sáng với bài nói chuyện từ nhà riêng nhưng vẫn vượt qua rào cản của phát biểu trực tuyến, vượt trội so với các diễn giả khác về sự truyền cảm, lay động và gần gũi. Và quan trọng hơn, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ đã làm mát lòng các nhà tổ chức đại hội với những lời tấn công đầy nhức nhối nhằm vào đương kim Tổng thống Donald Trump-đối thủ chính của ông Joe Biden. Như nhận xét của bà Michelle Obama, ông Donald Trump là tổng thống lỗi thời, không thích hợp với nước Mỹ, và kể từ khi lên nắm quyền, vị chủ nhân Nhà Trắng chỉ tạo ra "sự hỗn loạn, chia rẽ và hoàn toàn thiếu đồng cảm" trong lòng nước Mỹ, mà bằng chứng rõ nhất là sự suy thoái của nền kinh tế, các vấn đề sắc tộc và đặc biệt là tình trạng gia tăng chóng mặt các ca tử vong vì dịch bệnh. Trong khi đó, nhắc đến ông Joe Biden, bà nói rằng cựu Phó tổng thống Mỹ là "người đàn ông tử tế sâu sắc" với kinh nghiệm lâu năm trên chính trường và rồi kết luận bằng lời kêu gọi đầy sức nặng: "Chúng ta phải bỏ phiếu cho Joe Biden giống như thể cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào lá phiếu ấy".

Có lẽ cũng không phải vô tình mà đại hội của Đảng Dân chủ ngoài sự góp mặt của những chính trị gia có tiếng nói và uy tín thuộc đảng này, như: Cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hay cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, còn có sự góp mặt của một số nhân vật đến từ Đảng Cộng hòa. Điển hình trong số đó là cựu Ngoại trưởng Colin Powell, người mà trước đó không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Joe Biden. Và trong bài phát biểu tại đại hội này, ông Colin Powell một lần nữa khẳng định sự lựa chọn ấy khi nói rằng “nước Mỹ cần một vị tổng tư lệnh quan tâm, chăm lo cho các binh sĩ của chúng ta giống như cách ông Joe Biden chăm lo cho gia đình mình”.

Thông điệp mà Đảng Dân chủ muốn đưa ra trong 4 ngày đại hội như vậy đã rõ: Chính trường Mỹ đang khát khao một cuộc đổi ngôi. Và nếu những người Dân chủ đã chọn Joe Biden, người Cộng hòa chọn Joe Biden, thì tất cả những người Mỹ còn lại cũng nên làm điều tương tự!

Nói cách khác, Đảng Dân chủ muốn tận dụng đại hội toàn quốc lần này để đem đến niềm tin tới các cử tri trung thành và cả những người còn đang lưỡng lự, rằng nước Mỹ hoàn toàn có thể thoát khỏi mớ bòng bong hiện tại bằng một cuộc thay đổi triệt để, bắt đầu từ việc tìm ra chủ nhân mới xứng đáng hơn cho chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng. Niềm tin ấy càng có thêm đòn bẩy mạnh mẽ hơn khi chỉ chưa đầy một tuần đại hội, ứng cử viên Joe Biden đã chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm đối tác liên danh tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Việc ông Joe Biden lựa chọn một phụ nữ da màu và cũng là người gốc Á đầu tiên làm ứng viên cho vị trí phó tổng thống không chỉ là quyết định mang tính lịch sử mà còn là thông điệp nặng ký, ít nhiều tác động tới tâm lý của các cử tri, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề nóng bỏng liên quan đến vai trò của phụ nữ và phân biệt chủng tộc.

Hơn thế nữa, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp xứ cờ hoa, thì ngay cả cách mà cá nhân ông Joe Biden và Đảng Dân chủ tổ chức đại hội toàn quốc năm nay cũng đáng được coi là một điểm cộng. Thông qua việc chuyển đại hội toàn quốc sang hình thức trực tuyến, Đảng Dân chủ muốn chứng minh rằng, họ đang sống chung với nỗi lo của công chúng Mỹ và có trách nhiệm với tính mạng của cử tri Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với chiến lược của phía Đảng Cộng hòa bởi những ngày gần đây, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump vẫn tất tả đến từng nhà, trực tiếp gặp gỡ các cử tri ở hàng chục tiểu bang với hy vọng tìm kiếm phiếu bầu.

Thất bại trong cuộc bầu cử năm 2016 có vẻ như khiến Đảng Dân chủ khát khao lật đổ hơn, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản hơn trong cuộc tái đấu lần này. Song điều đó cũng phần nào cho thấy, trong suy nghĩ của họ, đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn là vật cản không dễ vượt qua. Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay vẫn đang chờ đợi những tình tiết gay cấn và bất ngờ

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục