Thao trường vang tiếng hát, rộn tiếng cười
Cập nhật ngày: 04/11/2023 14:30 (GMT +7)

Một ngày cuối thu với nắng hanh vàng cùng làn gió dịu dàng, mát rượi, chúng tôi có mặt tại thao trường huấn luyện của Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, đúng lúc đơn vị vừa nghỉ giải lao sau giờ huấn luyện chiến thuật...

Dưới sự điều hành của Thượng úy Ma Việt Hiệu, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, các chiến sĩ trẻ ngồi quây quần lại hình cánh cung, phía trước là Thượng úy Hiệu với cây sáo trúc đang véo von giai điệu bài hát “Anh vẫn hành quân” của nhạc sĩ Huy Du. Với kỹ thuật lưỡi kép giai điệu bài hát được anh cất lên nhịp nhàng, rộn ràng vang cả thao trường, chúng tôi dường như thấy được hình ảnh đội quân trùng trùng, điệp điệp của đoàn quân đang trèo đèo, băng rừng, vượt suối ra chiến trường với khí thế và niềm lạc quan chiến thắng quân thù xâm lược.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Ma Việt Hiệu cho biết: “Tôi biết chơi sáo từ khi còn là học sinh phổ thông, từng tham gia biểu diễn rất nhiều lần ở trường, ở lớp. Khi còn là học viên năm thứ ba Trường Sĩ quan Chính trị, tôi đã từng tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên lần thứ IX vào năm 2019, vinh dự cùng đội văn nghệ nhà trường đạt giải xuất sắc toàn đoàn. Mới đây, sau gần 2 tháng luyện tập, tôi cùng đội văn nghệ xung kích của Sư đoàn 3 tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng lần thứ XIII của Quân khu với tác phẩm hòa tấu sáo Mèo “Âm vang núi rừng”. Tiết mục của tôi đã nhận được tình cảm yêu quý của khán giả và đặc biệt là đánh giá của Ban Giám khảo, cùng với đội văn nghệ của đơn vị đã giành giải xuất sắc trong liên hoan”.


Giờ giải lao trên thao trường.

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” với sân khấu là thao trường, bãi tập càng thêm sôi nổi khi Thượng úy Hiệu liên tục độc tấu các bản nhạc đi cùng năm tháng như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”... Tiếng sáo bay bổng của anh đưa chiến sĩ đơn vị đi từ vùng núi non Xứ Lạng với giai điệu mang âm hưởng hát then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng như “Hương sắc Xứ Lạng”, “Theo em về Xứ Lạng”... đến vùng núi cao Tây Bắc với giai điệu “Xuân về trên bản Mông” cùng cây sáo mèo đã gắn bó bao năm với anh trên nhiều sân khấu liên hoan nghệ thuật quần chúng.

Xa xa, phía bên kia đồi, thao trường huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh của Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, chúng tôi vẳng nghe tiếng hát của một “liền anh” quan họ. Được chỉ huy đơn vị giới thiệu, chúng tôi được biết đó là giọng ca của Binh nhất Nguyễn Văn Binh (SN 2004, quê TP Bắc Ninh), chiến sĩ Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9. Tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ năm 2022, Nguyễn Văn Binh làm cộng tác viên cho Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, anh tham gia biểu diễn phục vụ các đoàn khách Trung ương và các địa phương đến thăm tỉnh Bắc Ninh, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết, các ngày lễ kỷ niệm. Nhập ngũ đầu năm 2023, tại đơn vị, Nguyễn Văn Binh thường xuyên được chỉ huy chỉ định góp vui trong những đêm sinh nhật đồng đội hay diễn đàn thanh niên, hái hoa dân chủ, thi hát karaoke hay giao lưu văn nghệ với chi đoàn kết nghĩa địa phương. 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Hữu Thọ, Phó chính ủy Trung đoàn 141 cho biết: Đảng ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho bộ đội. Bên cạnh hoạt động văn nghệ cổ động cán bộ, chiến sĩ ngay tại thao trường, các thiết chế văn hóa ở Trung đoàn không ngừng được củng cố, đầu tư. Nội dung hoạt động đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần bồi dưỡng phát triển nhân cách quân nhân cách mạng, tạo sự “miễn dịch” trước những tác động của văn hóa lai căng, tệ nạn xã hội.

Đến thăm Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, tới thao trường huấn luyện chúng tôi chứng kiến không khí sôi nổi của các chiến sĩ trẻ trên bãi tập. Sau tiếng còi kéo dài là khẩu lệnh dõng dạc, dứt khoát của Đại úy Vũ Tuấn Anh, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 5: “Hết giờ, đơn vị tập trung, giá súng, nghỉ giải lao”. Từng hàng súng được giá theo đội hình trung đội ba khẩu một, thẳng hàng tăm tắp. Theo chân đồng chí Đại đội trưởng, chúng tôi đến vị trí giải lao của Trung đội 6 dưới sự điều hành, “quản trò” của Thượng úy Hoàng Văn Thọ, Trung đội trưởng.

Trò chơi “Đi tìm đồng đội” bắt đầu; sau khi lấy tinh thần xung phong, Trung sĩ Tạ Văn Thao (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) được chọn là người chơi. Sau khi được che mắt bởi một chiếc khăn, chiến sĩ Thao dùng đôi tay của mình xoa lên mặt, lên người để phán đoán đúng tên đồng đội của mình. Trò chơi này có thế mạnh là cả Trung đội cùng có thể tham gia, đồng thời đòi hỏi các chiến sĩ phải thật sự hiểu biết và nắm chắc về nhau. Nếu gọi đúng tên trên 1/2 đồng đội trong Trung đội của mình người chơi sẽ giành phần thắng. Không khí trên bãi tập trở nên sôi nổi, náo nhiệt với những tiếng hò reo, cổ vũ, xen lẫn tiếng cười trong sáng của tuổi trẻ. Kết thúc trò chơi, Trung sĩ Tạ Văn Thao vui vẻ nói: “Giờ nghỉ giải lao giữa giờ huấn luyện, đơn vị tổ chức các trò chơi phù hợp với thanh niên nên chúng tôi rất hào hứng tham gia. Sau mỗi trò chơi, chúng tôi thêm phấn chấn để bước vào giờ huấn luyện tiếp theo”.

Thiếu tá Vũ Bá Thành, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 12 cho chúng tôi biết: “Tùy điều kiện thời tiết, nếu nắng nóng, khắc nghiệt các đơn vị trong Trung đoàn có thể tổ chức cho bộ đội đọc sách, báo thao trường, kể chuyện chiến lệ, kể chuyện danh nhân hay đọc các câu chuyện về pháp luật, kỷ luật; các câu chuyện về tấm gương, đạo đức của Bác Hồ. Thông qua việc tổ chức các hoạt động khơi dậy tinh thần đoàn kết, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể quân nhân. Đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng, của quân đội và đơn vị từ đó cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. 

Trong mỗi nội dung huấn luyện, thời gian nghỉ giải lao không nhiều, nên các hoạt động cổ động thao trường đơn giản, không đòi hỏi sự cầu kỳ, tốn kém về vật chất đã mang lại ý nghĩa thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện căng thẳng, cường độ hoạt động cao. Đây cũng là một trong các biện pháp gắn công tác huấn luyện, SSCĐ với giáo dục chính trị, tư tưởng ở Sư đoàn 3, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.

Bài, ảnh: TRẦN NHƯ KHÁNH

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục