Những ngày này, các cơ quan, đơn vị Lữ đoàn Phòng không 210 đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (16-10-1945/16-10-2023). Trong đó, Ngành Hậu cần Lữ đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng bảo đảm, trọng tâm là công tác bảo đảm quân nhu, xăng dầu, góp phần để đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Trung tá Dương Văn Hùng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 210 cho biết: “Đã thành quy luật, vào những tháng cuối năm, giá cả thị trường sẽ có nhiều biến động, tăng cao; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Ngành Hậu cần Lữ đoàn phải đảm bảo cho nhiều nhiệm vụ đan xen; các đơn vị bố trí phân tán, phương tiện sử dụng nhiều, nên công tác bảo đảm hậu cần gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trong 4 tháng cuối năm 2023, Lữ đoàn sẽ tham gia hỏa lực cho 7 cuộc diễn tập lớn, nhỏ; yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm hậu cần ngày càng nâng cao. Vì vậy, để bảo đảm tốt hậu cần cho đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, Lữ đoàn tập trung đột phá vào công tác bảo đảm quân nhu, xăng dầu”.


Mô hình tự sản xuất cám chăn nuôi của ngành Hậu cần Lữ đoàn 210.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Lữ đoàn chú trọng thực hiện nhà ăn, nhà bếp chính quy, an toàn, nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống bộ đội. Cùng với thường xuyên bổ sung đầy đủ dụng cụ cấp dưỡng, củng cố nhà ăn, nhà bếp, Lữ đoàn đầu tư thống nhất sử dụng tủ lạnh mini ở các bếp để bảo quản lưu nghiệm thức ăn đúng quy định; duy trì nghiêm các chế độ nền nếp, thực hiện tốt nội dung kiểm thực 3 bước, 10 điều vệ sinh an toàn thực phẩm trong quân đội. Duy trì nghiêm sổ nhật ký vận hành để theo dõi hệ thống bếp dầu, bếp điện, bếp lò hơi cơ khí và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên.

Để cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; hằng tháng tổ chức nấu đối chứng rút kinh nghiệm kịp thời. Thực hiện nghiêm quy định về phân cấp, khai thác tạo nguồn lương thực thực phẩm, chỉ đạo quản lý chặt chẽ số, chất lượng và giá lương thực thực phẩm thông qua hội đồng giá. Duy trì các hoạt động của trạm chế biến, giết mổ tập trung Lữ đoàn để bảo đảm thực phẩm tập trung cho đơn vị. Xây dựng thực đơn cơ cấu ăn hợp lý, tích cực cải tiến chế biến nấu ăn phù hợp với tiêu chuẩn, tính chất hoạt động của từng đối tượng; tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác bảo đảm ăn uống tại các bếp; có đánh giá nhận xét rút kinh nghiệm ghi vào sổ nhận xét ở bếp ăn.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả tăng gia sản xuất, các đơn vị trong Lữ đoàn tích cực phát triển hệ thống vườn giàn, đa dạng chủng loại các loại rau theo mùa, cây leo giàn, vườn cây ăn quả; tận dụng đất trống, trồng vườn đu đủ, chuối tập trung để đưa vào bữa ăn và làm củ quả dự trữ thời điểm giáp vụ. Phát huy hiệu quả các mô hình chăn nuôi như: Chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; chăn nuôi bò 3B bán công nghiệp; nuôi ếch thịt trên cạn; nuôi chim cút, nuôi cá nước ngọt, gia cầm lấy trứng… phát triển các điểm chăn nuôi tập trung theo hình thức nuôi công nghiệp kết hợp chăn nuôi phân tán, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín; cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ, phương pháp mới, hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào; tăng năng suất, chất lượng đầu ra.

Trung tá Phạm Đình Linh, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn Phòng không 210 chia sẻ: "Hiện nay, Lữ đoàn tự túc được 100% nhu cầu rau xanh; 100% nhu cầu định lượng thịt lợn, thịt gà và 80% nhu cầu định lượng cá, trứng. Giá chi ăn từ sản phẩm tăng gia sản xuất chế biến luôn thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm trên cùng khu vực (2.000đ-3.000đ/kg); kiểm soát tốt về số, chất lượng, giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Thực hiện đột phá trong công tác xăng dầu, Lữ đoàn chủ trương duy trì nghiêm lượng xăng dầu dự trữ SSCĐ; thường xuyên luân lưu đổi hạt, bảo đảm tốt về chất lượng cũng như đầy đủ về số lượng các chủng loại xăng dầu. Đối với công tác xăng dầu thường xuyên, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm quy chế lãnh đạo về công tác xăng dầu; duy trì chặt chẽ chế độ kiểm kê, kiểm định, phản ánh chính xác số lượng và chất lượng xăng dầu, phương tiện kỹ thuật vật tư xăng dầu. Quản lý chặt chẽ, sử dụng xăng dầu đúng mục đích, đúng hạn mức, đúng tính chất nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật xăng dầu áp dụng vào thực tiễn đơn vị, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng xăng dầu và bảo đảm an toàn kho, trạm, đơn vị.

Công tác bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị tích cực, chủ động củng cố kho xăng dầu, làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị, nâng cao hệ số sử dụng và hệ số kỹ thuật. Xây dựng các kế hoạch phòng, chống cháy nổ, chiến đấu tại chỗ bảo vệ kho, chống tràn dầu theo mẫu thống nhất và thường xuyên kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung sát với thực tế. Thường xuyên luyện tập các phương án SSCĐ bảo đảm kho trạm an toàn tuyệt đối.

Với phương châm đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” ngày càng vững chắc; gắn với các nội dung thi đua khác trong toàn đơn vị; triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá trong bảo đảm công tác quân nhu, xăng dầu cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để Lữ đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: Quốc Hả - Qúy Hùng

 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục