Thời gian qua, một số ít quân nhân do gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, trong học tập, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình; đặc biệt, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tư tưởng muốn làm giàu nhanh dẫn đến vay nặng lãi không có khả năng trả nợ, đã tác động trực tiếp đến tâm lý không ổn định dẫn đến các hành động “tự sát” “tự thương”, “tự tử” ảnh hưởng đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Bởi vậy, tăng cường giáo dục nhận thức, trách nhiệm, giữ vững tâm lý ổn định là việc làm quan trọng giúp quân nhân vượt qua khó khăn, hành động có trách nhiệm với đơn vị, gia đình và xã hội.

 

Thực trạng và nguyên nhân

Những năm qua, Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Quân khu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có sự đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều đơn vị đã lồng ghép công tác giáo dục với biện pháp quản lý hành chính, duy trì kỷ luật, kỷ cương và quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Đa số cán bộ, chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, gắn bó xây dựng cơ quan, đơn vị, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu.


Lãnh đạo Lữ đoàn Pháo binh 382 luôn quan tâm gần gũi, sâu sát nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm lý của bộ đội trong hoạt động hằng ngày.

Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị an toàn của một số cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu chưa thực sự vững chắc. Tình hình chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước vẫn còn diễn ra như: Mất an toàn giao thông, quân nhân tham gia đánh bạc, cướp giật, vay nặng lãi không có khả năng chi trả dẫn đến tự tử... gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến đơn vị, gia đình và xã hội.

Nguyên nhân của các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật có cả khách quan và chủ quan, nhưng qua tìm hiểu thấy rằng chủ yếu là do: cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật; thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức; chưa phát huy tốt vai trò và huy động được mọi lực lượng tham gia. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả còn thấp; nội dung, hình thức, phương pháp còn chưa phù hợp; việc lồng ghép, gắn giáo dục chính trị với phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật bộ đội còn hạn chế; chưa chú trọng giáo dục, rèn luyện tích lũy kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho bộ đội, nên khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp dễ dẫn đến chán nản, tiêu cực, mất phương hướng, bế tắc về tư tưởng và hành động. Một số đơn vị còn chủ quan, đơn giản trong quản lý, rèn luyện kỷ luật và xây dựng nền nếp chính quy. Khi phát sinh những biểu hiện tiêu cực hoặc có vụ việc xảy ra, chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân để quản lý nắm chắc tình hình diễn biết tư tưởng của bộ đội, có biện pháp giáo dục, thuyết phục kịp thời. Chỉ huy một số đơn vị còn nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh; không dự báo được tình hình tư tưởng, tâm lý của bộ đội để có biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, khi vụ việc xảy ra còn có biểu hiện giấu giếm khuyết điểm, báo cáo chưa kịp thời với cấp trên. Công tác quản lý, xử lý vụ việc còn lúng túng, sai quy trình, dẫn đến vụ việc phức tạp hơn khi các thế lực thù địch phản động tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Quân đội. Ngoài ra, một số cán bộ, chiến sĩ nhận thức, tinh thần tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước còn hạn chế. Công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự còn có những sơ hở, thiếu sót; việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và gia đình quân nhân trong nắm tình hình địa bàn, tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của quân nhân thuộc quyền chưa thường xuyên, bị động khi có vụ việc xảy ra.

Giải pháp tăng cường giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho quân nhân

Giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho quân nhân trước những tác động tâm lý không ổn định là việc làm quan trọng tạo chuyển biến về tư tưởng, kỷ luật, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD “mẫu mực tiêu biểu”. Để phòng, chống ngăn chặn các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, vận dụng những nội dung cơ bản sau:

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, xác định rõ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị là một khâu đột phá để xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD.  Quá trình lãnh đạo phải tăng cường những chủ trương, biện pháp lãnh đạo và cụ thể hóa vào kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp, sát yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy, duy trì cơ quan, đơn vị chấp hành nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn. Để thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả, các đơn vị rà soát, bổ sung hệ thống quy chế, nội quy, quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành tốt việc sơ kết, tổng kết, phát hiện, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả; chấn chỉnh, khắc phục khấu yếu, mặt yếu, nhân rộng đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu” ở các cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho bộ đội. Chủ động giải quyết hài hoà những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hoạt động và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, giữa cá nhân với tập thể, cấp trên với cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ với nhân dân. Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh và phát huy tốt vai trò của các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở. Cán bộ các cấp gần gũi, coi chiến sĩ như những người thân để nắm, quản lý tốt tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm lý bộ đội; chủ động phát hiện những biểu hiện tiêu cực, không để xảy ra bất ngờ.

Duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, quản lý bộ đội, VKTB, phương tiện, cơ sở vật chất và xử lý nghiêm vi phạm. Quản lý chặt chẽ đơn vị và mọi hoạt động của quân nhân, tạo thành ý thức tự giác, thói quen chấp hành chế độ, chấp hành kỷ luật, pháp luật. Tăng cường công tác quản lý con người, VKTB, cơ sở vật chất, các giấy tờ tùy thân của quân nhân theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn trong huấn luyện, học tập, công tác, lao động và tai nạn rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng. Tổ chức, duy trì lực lượng kiểm soát quân sự thường xuyên kiểm tra người và phương tiện quân sự tham gia giao thông. Chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định về sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, học tập công tác và khi tham gia giao thông. Khi có vụ việc xảy ra, phải báo cáo kịp thời chỉ huy và cơ quan chức năng để chỉ đạo, giải quyết, nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị.

Gáo dục, rèn luyện nâng cao nhận thức trách nhiệm cho quân nhân trước những tác động tâm lý không ổn định, kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu cài cắm, móc nối vào nội bộ và những tiêu cực xã hội xâm nhập vào cơ quan, đơn vị là việc làm thiết thực để xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD “mẫu mực tiêu biểu”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Bài và ảnh: KHƯƠNG DOÃN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục