Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.


 Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 13 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. 

Ngày 30-3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13, cho ý kiến vào điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (Chương trình).

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghe các tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về đề nghị xây dựng các dự án luật.

Theo đó, đối với Chương trình năm 2023, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết.

Cụ thể: Tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung 7 dự án, gồm 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; gồm:

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp;

- Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 5 dự án luật là: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật, gồm:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp;

- Trình Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 1 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Tòa án nhân dân tối cao cũng đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10-2023, thông qua tại phiên họp tháng 12-2023.

Đối với Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật.

Đó là: 6 dự án luật (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6) gối sang năm 2024 (thông qua tại kỳ họp thứ 7), trong đó có hai dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Chương trình năm 2023 và 4 dự án luật mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023.

Ngoài ra, 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2024 (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8). Trong đó, Chính phủ đề nghị 7 dự án luật, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị một dự án luật (là Luật Tư pháp người chưa thành niên), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị một dự án luật (Luật Công đoàn sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị một dự án luật (Luật Bản dạng giới).

Cùng với đó là hai dự án luật được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8...

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã rất khẩn trương triển khai công tác rà soát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng đặc biệt đánh giá cao và ủng hộ việc đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ và đề nghị xây dựng luật; khẳng định việc đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng Luật là thực hiện quyền sáng kiến lập pháp theo quy định pháp luật. 

Các đại biểu cũng cho biết khối lượng nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV là rất lớn, đặt ra nhiều áp lực đối với các đại biểu Quốc hội. Do đó, các đại biểu cũng cân nhắc việc sắp xếp các dự án luật đưa vào Chương trình, khắc phục tình trạng bổ sung quá gấp và có sự cân đối số lượng các dự án tại mỗi kỳ họp, ưu tiên trình trước đối với những nội dung cấp thiết, bức xúc thì cần trình trước...

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục