Phát huy truyền thống 77 năm ngành Dân vận Quân đội
Cập nhật ngày: 01/05/2024 09:35 (GMT +7)

Đại tá Đỗ huy Khải, Trưởng phòng Dân vận Quân khu

Tự hào với truyền thống vẻ vang 77 năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành Dân vận Quân đội nói chung và cán bộ, chiến sĩ Dân vận các cấp LLVT Quân khu nói riêng tiếp tục khẳng định và phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo. Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 làm công tác dân vận tại xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.       Ảnh: QUỐC HẢ​

Ngày 1-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47/SL về tổ chức Bộ Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam. Theo Sắc lệnh, Phòng Địch vận (tiền thân của Cục Dân vận ngày nay) chính thức ra đời tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trải qua từng giai đoạn lịch sử, theo yêu cầu nhiệm vụ, hệ thống cơ quan dân vận các cấp trong toàn quân thường xuyên được củng cố, tăng cường tổ chức biên chế; ngày càng làm tốt hơn vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị trong quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt trên tất cả các loại hình đơn vị, các địa bàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới. Ngày 8-2-2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 445/QĐ-BQP công nhận và lấy ngày 1-5-1947 là Ngày truyền thống ngành Dân vận Quân đội.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), công tác dân vận được xác định “là gốc của mọi công tác khác”, “tiến hành công tác dân vận thực chất là xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân”; tuyên truyền cho nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua sản xuất, ủng hộ kháng chiến, nuôi dưỡng thương binh, tham gia bộ đội, xung phong vào các đội tải thương, tiếp tế lương thực, đạn dược; giúp đỡ nhân dân và dân quân du kích tổ chức làng, xã chiến đấu, phát triển các đội võ trang tuyên truyền; tổ chức huấn luyện quân sự cho dân quân, thanh niên, hội viên các đoàn thể và quần chúng nhân dân; huy động sức mạnh của toàn dân, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), ngành Dân vận Quân đội đã tham mưu giúp Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đề ra các chủ trương, phương hướng, sách lược, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn LLVT và các địa phương đẩy mạnh công tác binh - địch vận cả trong và ngoài quân đội, khoét sâu mâu thuẫn, tranh thủ lôi kéo, phân hóa hàng ngũ địch như: Chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng đối với sĩ quan và binh lính quân đội miền Nam; chính sách đối với binh sĩ người nước ngoài; chủ trương ngừng bắn dịp Tết Nguyên đán với hàng loạt Chiến dịch “Tiến công bằng chính sách”.  

Vận động nhân dân miền Bắc tích cực tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của lực lượng không quân, hải quân Mỹ; động viên, huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân miền Nam, nhất là các vùng tạm chiếm tiến hành các hình thức đấu tranh; đoàn kết các tầng lớp nhân dân xung quanh Mặt trận dân tộc giải phóng, anh dũng đứng lên đồng khởi, tạo thế và lực cho cách mạng cùng với các đòn tấn công quân sự và binh vận…; góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế (1977-1989), Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), ngành Dân vận Quân đội đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt.

Cùng với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã xuất hiện những vấn đề mới của đời sống xã hội. Đặt ra cho công tác dân vận của Đảng và của Quân đội những yêu cầu mới, cao hơn. Ngành Dân vận Quân đội tiếp tục bám sát thực tiễn, tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và địa phương phát động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị Quân đội. Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với phong trào thi đua quyết thắng của toàn quân với nhiều chương trình, mô hình dân vận mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng xã hội, có sức lan tỏa rộng khắp. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng ngành Dân vận toàn quân đã lập nhiều thành tích xuất sắc, bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của mình, viết nên truyền thống vẻ vang: “Trung thành, sáng tạo, nhân nghĩa, đoàn kết, hiệp đồng, hy sinh, chiến thắng”. Quán triệt và phát huy truyền thống của ngành Dân vận Quân đội nói chung và cơ quan, cán bộ dân vận trong LLVT Quân khu nói riêng. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, công tác dân vận của LLVT Quân khu luôn được triển khai toàn diện, đồng bộ, sát với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và địa bàn; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, vận dụng linh hoạt sáng tạo; với tinh thần hướng về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; củng cố QPAN, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các đơn vị trong LLVT Quân khu đã huy động trên 45 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, DQTV với trên 65 nghìn ngày công giúp đỡ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; khám chữa bệnh trên 25 nghìn lượt người dân với số tiền trên 969 triệu đồng; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, di dời trên 2 nghìn người dân, 4.344 vật dụng bị ngập úng đến nơi an toàn, cứu chữa trên 329ha rừng; tu sửa và làm mới trên 296km đường giao thông nông thôn... hỗ trợ địa phương sửa chữa, xây dựng 8 nhà văn hóa thôn; xóa 411 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; xây dựng 3 nhà bán trú; sửa chữa nâng cấp nhà ở cho 30 quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó; xây dựng 66 nhà đồng đội, tổng số tiền trên 35 tỷ đồng…

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng LLVT nhân dân, ngành Dân vận Quân đội nói chung và cơ quan, cán bộ dân vận các cấp trong LLVT Quân khu nói riêng tiếp tục phấn đấu không ngừng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Trọng tâm là: Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong và ngoài quân đội; công tác dân vận trong các nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Chủ động nghiên cứu, tham mưu và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo, nhất là việc lấn chiếm đất đai, đền bù, giải tỏa, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, truyền đạo trái pháp luật. Chú trọng xây dựng cơ quan dân vận các cấp vững mạnh; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn trọng điểm về QPAN. 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục