Chiều 2-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Kết quả, với 91,25% tổng số đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thay mặt Quốc hội, trân trọng gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bó hoa tươi thắm với những tình cảm thắm thiết nhất, lời cảm ơn trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kính chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đưa đất nước Việt Nam ta ngày càng phát triển nhanh và bền vững. 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Nhiệm kỳ 2016-2021 có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Giữa năm 2018, đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23-9 đến ngày 23-10-2018. Ngày 23-10-2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.


Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944; quê quán: xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội; chuyên môn nghiệp vụ: Cử nhân Ngữ văn; học hàm, học vị: GS, TS Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Ðảng); lý luận chính trị: Cao cấp.

Ủy viên Trung ương Ðảng khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.


Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước trước Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho biết: Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân; trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ...

Thảo luận về báo cáo của Chủ tịch nước ngày 29-3 vừa qua, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nói: Cảm động vô cùng với một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua. Hình ảnh vì dân, việc làm vì dân, hành động vì dân, đường lối vì dân của Đảng, của Chủ tịch nước, của Chính phủ thể hiện rất rõ trong suốt những năm qua, đã trở thành động lực để toàn dân tích cực, năng nổ thi đua đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước...

Nhấn mạnh một số dấu ấn của Chủ tịch nước, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) khẳng định, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc. “Mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện, dù ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân”, đại biểu dẫn chứng.

* Thời gian còn lại chiều 2-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; sau đó thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.


* Theo chương trình dự kiến, sáng thứ 2, ngày 5-4-2021, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả sẽ được công bố sáng cùng ngày và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả sẽ được công bố sau đó và Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục