Tục “cáp mu” ngày Tết
Cập nhật ngày: 12/02/2018 14:08 (GMT +7)

Tục “cáp mu” (góp chung lợn), có nơi còn gọi là “khả mu co” (mổ lợn chung) để đón Tết, đến nay vẫn được người dân ở Cao Bằng, đặc biệt là đồng bào vùng cao duy trì. Đây vừa là nét sinh hoạt truyền thống đậm đà bản sắc tạo sự gắn kết cộng đồng, vừa là động lực để đón một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Gia đình anh Hoàng Văn Hoàn chia thịt lợn cho mọi người.

Như những năm trước, mấy ngày trước Tết, tại gia đình anh Hoàng Văn Hoàn, xóm Lũng Thoong, xã Ngọc Động (Quảng Uyên) nhộn nhịp người ra vào vì chuẩn bị để mổ “cáp mu” đón Tết. Vợ anh Hoàn cùng một số phụ nữ khác đun nồi nước lớn và chuẩn bị nguyên liệu, muối mắm, rổ rá, lá chuối.. để đựng phần thịt được chia và chế biến thịt lợn tổ chức ăn cơm chung một bữa. Thịt thành phẩm được phân chia thành 8 suất, mỗi suất được hơn 8 kg. Số thịt lợn này để gói bánh chưng, làm lạp sườn, nấu đông… chuẩn bị đủ cho mấy ngày Tết.
Anh Hoàn cho biết: Tết năm nào cũng thế, nhà tôi không mua thịt lợn ngoài chợ mà “cáp mu” với mấy nhà hàng xóm. Nhà tôi tự nuôi lợn hoàn toàn bằng thức ăn rau, cám bình thường. Sau khi chọn được ngày thì mọi người sẽ mổ lợn, chia thịt. “Cáp mu” như thế này, thịt ngon, an toàn, rẻ hơn. Đồng thời anh em, bạn bè cùng làm thịt lợn, chia lợn rồi tổ chức ăn uống, chúc nhau bước sang năm mới vui vẻ, hạnh phúc.
 

Điều thú vị nhất trong “cáp mu” là các phần của con lợn được chia bằng nhau, ngon như nhau. Để liên hoan bữa chung thịt lợn, các gia đình xẻ một phần được chia để ăn liên hoan. Người lớn rôm rả bên mâm cơm còn đám trẻ con thì vui vẻ, háo hức chạy quanh sân nô đùa, gọi nhau tụ tập để cùng ăn những miếng thịt ngon nhất mà người lớn ưu tiên dành cho… Lúc này, không khí Tết như đến sớm bởi sự rộn ràng, người nói cười rôm rả.
Không chỉ ở Lũng Thoong mà về các xóm, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh trong những ngày giáp Tết, chẳng biết tục “cáp mu” ngày Tết có từ bao giờ nhưng nay đã trở thành tục lệ truyền thống và dường như ngày càng phát triển mạnh ở cả những khu đô thị với cảnh tưng bừng chung lợn ăn Tết. 

Qua tìm hiểu các vị cao niên về nguồn gốc sự ra đời của tục lệ này, được nghe rất nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng tục chung lợn xuất phát từ tục lệ ăn chia thịt săn bắn xưa của người Tày, chuyện kể rằng: Đồng bào vùng cao xưa vừa cấy lúa nước ở ruộng, vừa gieo lúa lốc, trồng ngô trên nương; trồng bí, đỗ, khoai lang trên các rẫy ven rừng… Khi lúa đồng chín vàng, lúa nương chắc hạt, bắp ngô râu ngả màu nâu sẫm, đỗ đến độ thu hoạch thì thú rừng như hươu, nai, khỉ, lợn rừng… thường kéo nhau tới phá hoại. Vì vậy, đồng bào phải dựng lều ra ở ngày đêm để canh lúa, ngô, hoa màu. Khi phát hiện ra con thú hay cả đàn thú đến phá người dân chạy nhanh về báo với dân làng. Khi bắt được một con thú hay đàn thú, người ta khiêng về làng chia thịt. Việc chia thịt rất vui vẻ. Đây là một tục lệ truyền thống rất đẹp thể hiện tình làng, nghĩa xóm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, vừa thể hiện tính công bằng và đoàn kết. Qua thời gian, những thú hoang ngày càng ít, cuộc sống kinh tế ngày càng ổn định nhưng việc ăn chia thịt vẫn được người dân lưu truyền bằng hình thức mổ chung lợn nhà tự nuôi trong ngày Tết như hiện nay.

Bữa cơm chung của các gia đình tạo sự gắn kết cộng đồng.

Cũng có người lại có một cách lý giải khác về tục “cáp mu” ngày Tết do trước đây cuộc sống khó khăn, bà con chưa có điều kiện ăn Tết đủ đầy, thực phẩm sử dụng trong ngày Tết cũng không được thoải mái, do đó, lợn đem ra mổ chung thường là những con chậm lớn, trọng lượng nhỏ vì thế bị thương lái chê không mua hoặc mua giá rẻ. Nên từ việc “không may” này mọi người sẽ mổ con lợn đó vừa tổ chức bữa cơm đầm ấm, vui tươi vừa chia sẻ với hàng xóm khó khăn phần nào. Sau khi làm thịt, định suất, người nhận thịt không phải thanh toán ngay mà đến ngày mùa mới phải trả bằng lúa, ngô. Ngày nay, lý do chung thịt lợn cũng khác ngày xưa, chẳng phải vì thịt lợn hiếm, lại chẳng phải vì tiền không dư giả, mà vì chất lượng thực phẩm bây giờ nếu không rõ nguồn gốc sẽ thiếu an toàn. Vì vậy, mỗi dịp Tết về, những gia đình muốn có thịt sạch, thịt ngon nên chung mổ lợn tự nuôi để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mỗi cách lý giải đều có lý, nhưng có thể nói tục “cáp mu” ngày Tết ở Cao Bằng đã có từ rất lâu đời. Mọi người luôn tâm niệm phải giữ gìn tục “cáp mu” như một tập tục đẹp của cha ông để lại. Đây là nét sinh hoạt gắn kết tình nghĩa làng xóm, là dịp để mọi người được gần gũi, chia sẻ, hỏi thăm tình hình công việc, sức khỏe, buồn vui trong năm qua. Từ đó, tạo niềm tin, động lực bước sang năm mới.

Theo Báo Cao Bằng

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục