Với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phú Lương đã đạt nhiều thành tựu, kết quả ấn tượng. Trong đó, 10 chỉ tiêu phát triển chủ yếu Đại hội Đảng bộ huyện xác định đều được thực hiện đạt và vượt; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Đây là cơ sở để huyện Phú Lương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024.

Đến Phú Lương vào những ngày cuối tháng 10, bức tranh nông thôn mới với gam màu tươi sáng đang hiện hữu với hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng, kết nối giao thương giữa các xã, thị trấn và các vùng lân cận. Những đồi chè xanh mướt được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ tua tủa búp non đón nắng; những cánh đồng trồng lúa nếp vải ở xã Ôn Lương đang dần ngả màu da vải đặc trưng, báo hiệu một vụ mùa bội thu; sắc vàng óng của mật ong Núi Chúa như gọi mời; hương cốm nếp vải quyện với hương trà thu níu chân khách trong câu chuyện cởi mở với đội ngũ cán bộ huyện nhà. Thăm xưởng sản xuất trà của Hợp tác xã nông sản Phú Lương tại xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, chúng tôi cảm nhận rõ sức hấp dẫn của các dòng sản phẩm trà với bao bì, nhãn mác thiết kế chuyên nghiệp, bắt mắt và khẳng định uy tín khi được dán nhãn OCOP, gắn mã QR.


Lãnh đạo huyện Phú Lương giới thiệu với đại biểu các cơ quan báo chí về nông sản đặc trưng lúa nếp vải tại xã Ôn Lương.

Thông tin với báo chí, đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương phấn khởi cho biết: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và triển khai 8 chương trình, kế hoạch, 9 đề án trên các lĩnh vực, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn địa phương. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của huyện, cấp ủy các địa phương, đơn vị, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao. 

 Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện tăng bình quân hằng năm đạt 4,05%, riêng ngành nông nghiệp tăng bình quân 3,77%. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2023 ước đạt 117 triệu đồng (vượt 10 triệu đồng/ha so với chỉ tiêu nghị quyết). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng bình quân 11,29%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng bình quân hằng năm 9,38%. Sản xuất nông, lâm nghiệp được huyện xác định là nền tảng, cùng với động lực quan trọng từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, huyện có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm 2 năm so với chỉ tiêu; dự kiến 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu cân đối ngân sách huyện tăng bình quân hằng năm đạt 10,3%, vượt 0,3% chỉ tiêu.

Huyện chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của huyện được mở rộng diện tích canh tác đạt 4.136,1ha (tăng 46ha so với năm 2019). Thực hiện Đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng, sản xuất, chế biến chè và các nông sản thế mạnh theo hướng an toàn, chất lượng cao. Giá trị sản xuất chè ước đạt 1.265,56 tỷ đồng, doanh thu bình quân ước đạt 310-330 triệu đồng/ha. Chăn nuôi được đầu tư phát triển theo hướng trang trại, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, gắn với bảo vệ môi trường; giá trị sản xuất ngành tăng bình quân 5,26%/năm. 

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là thực hiện chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của huyện trên hệ thống các siêu thị và sàn thương mại điện tử, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 16 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP 3 sao trở lên; trong đó có 12 sản phẩm chè, cùng các sản phẩm có tiếng như: Mật ong, gạo nếp, bánh chưng, trà dây thìa canh.

Song song với phát triển kinh tế, Phú Lương cũng là một trong những điểm sáng của tỉnh Thái Nguyên về bảo đảm quốc phòng - an ninh. Huyện thường xuyên thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; LLVT huyện duy trì nghiêm công tác trực SSCĐ, huấn luyện, diễn tập; tuyển sinh quân sự chất lượng ngày càng nâng lên; xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc, có chiều sâu; chỉ tiêu tuyển quân hằng năm đều đạt kế hoạch. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng vai trò nòng cốt của LLVT địa phương, Phú Lương đã hoàn thành xuất sắc cuộc diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2021; tham gia hội thi “Doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” Quân khu năm 2022 đạt kết quả xuất sắc; tổ chức diễn tập quân sự xã, thị trấn đảm bảo kế hoạch, an toàn, đúng quy định... Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; tăng cường công tác nắm tình hình, ngăn ngừa kịp thời hoạt động của các tổ chức tự xưng, không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự; tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: Với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận, tinh thần nỗ lực, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, huyện Phú Lương đang dần hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế; phấn đấu đến năm 2025, 100% các xã có sản phẩm OCOP. Chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại - dịch vụ. Tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các dự án khu dân cư, khu đô thị; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương...

Bài, ảnh: NGUYỄN MẠNH

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục