Khi “ma men” ở sau tay lái
Cập nhật ngày: 07/08/2019 06:50 (GMT +7)

Tại Việt Nam, hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia vẫn còn rất phổ biến khiến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) do hành vi này gây ra ngày càng diễn biến phức tạp.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), Hội ATGTViệt Nam phối hợp với một số đơn vị “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhiều con số đáng báo động khi “ma men” ở sau tay lái.


Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: MẠNH HƯNG

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết: Quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi uống rượu, bia và lái xe rất phổ biến tại Việt Nam bất chấp các quy định pháp luật hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao. Cụ thể, 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều…. Ông Vũ Anh Tuấn cũng cho biết, theo số liệu thống kê của Cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn là 4%; tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê TNGT do rượu, bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân của khác biệt trên là do trong nhiều vụ TNGT, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn.

Kết quả nghiên cứu, thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe ở Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam và lái xe trên quốc lộ cho thấy, khi nồng độ cồn trong máu ở mức 20mg/100ml thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 3 lần so với trường hợp không có nồng độ cồn trong máu. Đáng lo ngại, khi nồng độ cồn trong máu ở mức 50mg/100ml (mức quy định hiện hành) thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 7 lần so với trường hợp không có nồng độ cồn trong máu.

Thực tế và các chứng minh khoa học đã chỉ rõ việc lạm dụng bia, rượu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt: Việc sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm là một nét văn hóa. Do đó, cần nâng cao nhận thức đã uống rượu, bia thì không lái xe; tăng mức xử phạt và bổ sung hình phạt khi người điều khiển phương tiện uống rượu, bia rồi lái xe. Bổ sung thêm các giải pháp ngăn chặn tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, giải pháp quan trọng nhất là tăng mức xử phạt và bổ sung các hình phạt mới; trong đó, cần quy định người điều khiển phương tiện không có nồng độ cồn trong máu, mức quy định hiện nay là 50mg/100ml máu không còn phù hợp. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh; khuyến khích sản xuất, tiêu thụ đồ uống có cồn có nồng độ thấp hoặc không cồn. Còn Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) Thượng Tá Lê Huy Trí cho rằng, việc cưỡng chế kiểm tra nồng độ cồn là hết sức cần thiết, nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện nghiêm, nghĩa là mọi lái xe bị dừng phải được kiểm tra và phải được duy trì lâu dài. Cần có quy định Cảnh sát giao thông có thể tạm giữ người vi phạm trong một số trường hợp cụ thể để bảo đảm ATGT cho chính họ.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục