Một trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được Quân ủy Trung ương chỉ rõ trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 là “tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cựu chiến binh, nhà văn Đỗ Hàn, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: Quân đội ta là một trường học lớn, quân nhân được học tập toàn diện để nâng cao trình độ mọi mặt, góp phần bồi đắp và tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để quân nhân nghiên cứu, học tập chính là thực hiện Nghị quyết 847 hiệu quả.

Phóng viên (PV): Đồng chí từng có 4 năm trong quân ngũ vào đầu thập niên 1980. Đó là giai đoạn đất nước và quân đội đối diện với nhiều khó khăn vật chất. Vậy, tinh thần học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt của bộ đội thời đó như thế nào, thưa đồng chí?

Nhà văn Đỗ Hàn: Nhìn lại, giai đoạn nào trước đổi mới, đất nước và Quân đội ta cũng đều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, dù có thiếu thốn cái ăn, cái mặc, tinh thần ham học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ của quân nhân không vì thế mà giảm sút.


Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chuyện thương binh nằm dưỡng thương vẫn tranh thủ mượn cả chục đầu sách để đọc tránh lãng phí thời gian là rất bình thường. Thời chúng tôi cũng thế, ở cấp đại đội có tủ sách nho nhỏ, anh em tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đọc “ngấu nghiến”. Chế độ đọc báo thực hiện nghiêm, mọi quân nhân được cập nhật tin tức thời sự đầy đủ.

Điều đáng chú ý, quân đội rất chú trọng nắm bắt, phát hiện quân nhân có năng khiếu, sở trường nào đó để động viên phát huy, bồi dưỡng. Bản thân tôi có sở trường kẻ biển, kẻ chữ, viết báo tường, cấp trên mời các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời đó, như Thanh Tịnh, Ngô Thảo... đến hướng dẫn cách viết. Từ đó, tôi mới “lờ mờ” biết sáng tác văn chương là thế nào, vượt qua sự ghi chép “máy móc”. Chính trong thời gian quân ngũ, tình yêu văn học lớn dần dù trước khi vào bộ đội tôi là giảng viên toán. Về sau, khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, tôi luôn gắn bó với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như một sự tri ân quân đội đã ươm mầm sự nghiệp văn chương cho một anh lính vô danh.

Nghị quyết 847 được Quân ủy Trung ương chỉ rõ việc “tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn” một lần nữa khẳng định quân đội là trường học lớn, giúp quân nhân hoàn thiện kiến thức, hiểu biết, góp phần bồi đắp và tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

PV: Nhiều thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự mới tốt nghiệp THPT, kiến thức chưa nhiều, kinh nghiệm, vốn sống xã hội có khi là con số không. Theo đồng chí, cần chú trọng học tập những nội dung nào để mỗi người có thể nâng cao trình độ của mình?

Nhà văn Đỗ Hàn: Khi bước vào môi trường quân đội, nhiều bạn trẻ không tránh khỏi cảm thấy hụt hẫng. Trước khi nhập ngũ tham gia mạng xã hội, chơi game, rồi bao nhiêu thú vui giải trí hiện đại, sinh hoạt tự do... Còn trong quân ngũ các bạn phải huấn luyện những nội dung mới mẻ, sinh hoạt theo chế độ nghiêm ngặt, mọi việc không thể như trước.

Tôi cho rằng, trước hết người chỉ huy đơn vị cần tuân thủ nghiêm túc chế độ thời gian huấn luyện, vui chơi, học tập, thực hiện “giờ nào việc nấy”. Có những nơi, có những lúc thời gian vui chơi, học tập của chiến sĩ bị cắt xén, đảo lộn. Một số chỉ huy cũng không thực sự chịu khó làm “thầy”, biết sáng tạo, biết kết hợp học mà chơi thiết thực, hiệu quả. Xem truyền hình, tôi thấy có đơn vị dạy tiếng Anh giao tiếp, dạy văn nghệ, thi tìm hiểu lịch sử... rất vui vẻ, thiết thực. Hy vọng những mô hình hay, cách làm hiệu quả được phổ biến rộng rãi ở nhiều đơn vị.

Tôi rất tâm đắc với cụm từ “nâng cao trình độ mọi mặt”. Đã là quân nhân, đòi hỏi trước hết và trên hết phải huấn luyện giỏi, nắm vững kiến thức quân sự, quốc phòng; nhưng cũng không quên học tập, nâng cao hiểu biết những vấn đề về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa... Như thế, mới là người quân nhân hiểu biết toàn diện. Tôi tin, nếu được quan tâm, bồi dưỡng, nhiều bạn trẻ sau khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ có bản lĩnh, kiến thức, trình độ để lập thân, lập nghiệp thành công.

PV: Lười học tập, rèn luyện được xem là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết 847 chỉ ra. “Căn bệnh” này tác hại như thế nào với quân nhân, thưa đồng chí?

Nhà văn Đỗ Hàn: Quân nhân là những người lao động trong lĩnh vực quân sự. Cũng như bao ngành nghề khác, muốn làm tốt công việc được giao, không có cách nào khác phải nâng cao trình độ mọi mặt.

Người càng ở vị trí cao, có quyền lực chỉ huy càng lớn thì càng phải nâng cao trình độ mới có tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo chỉ huy hiệu quả. Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp tư nhân, tôi thấy đội ngũ lãnh đạo vẫn dành thời gian cập nhật kiến thức mới, tìm hiểu mô hình quản trị và công nghệ mới, giúp doanh nghiệp không ngừng phát triển, làm ăn hiệu quả.

Mặc dù quân đội có đặc thù riêng nhưng tôi cho rằng không có lý gì mà quân nhân lại không dành thời gian nâng cao trình độ của mình. Mỗi cá nhân có công việc, chuyên môn riêng. Hãy bắt đầu từ chính công việc của mình, muốn làm thật tốt, hiệu quả chắc chắn phải tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu cải tiến phương pháp, cách thức làm việc.

PV: Với tư cách là một nhà văn, cựu chiến binh, đồng chí có nhắn gửi gì với các quân nhân hiện nay về vấn đề tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ?

Nhà văn Đỗ Hàn: Cơ sở vật chất, điều kiện để học tập, nghiên cứu có tốt; lãnh đạo chỉ huy đơn vị có quan tâm, tạo điều kiện nhưng để đạt hiệu quả trong việc nâng cao trình độ, chỉ có thể dựa vào ý chí bản thân mỗi người. Dân gian đúc kết: “Học thì ấm vào thân”.

Nếu hiểu theo kiểu thuần túy lợi ích thiếu tích cực là học để phục vụ cho việc thăng quan tiến chức thì chẳng lẽ không phát triển thành “ông này bà nọ” thì không cần học nữa? Học tập, nghiên cứu là nhu cầu tự thân, một trong những chiều kích của bản thể con người. Có trình độ toàn diện sẽ tự nâng tầm, làm mới bản thân và tạo dựng nhân cách, tâm hồn lành mạnh.

Cho nên, mới có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Học tập là cuốn sách không có trang cuối”, mà tôi hiểu chính là để khuyên chúng ta không thể đứng yên mà luôn làm mới chính mình.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀM ĐAN (thực hiện)

(Theo QĐND)

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục