Công tác tư tưởng (CTTT) giữ vai trò quan trọng, nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD). Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, yêu cầu đối với CTTT ngày càng cao đòi hỏi các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, trong đó, bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) là nội dung đặc biệt quan trọng.

Qua kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình của Phòng Tuyên huấn Quân khu, những năm qua, CTTT trong LLVT Quân khu luôn được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ, nội dung, hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo CTTT luôn đi trước một bước; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong tiến hành, kết hợp chặt chẽ giữa CTTT với công tác tổ chức, chính sách. Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, các đơn vị LLVT Quân khu đã có nhiều đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, cũng như đảm bảo cơ sở vật chất; chú trọng giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền thống dân tộc, Quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; làm rõ “đối tượng”, “đối tác”, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội của các thế lực thù địch.


Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu với cán bộ, chiến sĩ dự tọa đàm về công tác quản lý tư tưởng, tổ chức tại Trường Quân sự Quân khu.   Ảnh: MẠNH NGUYÊN

Việc chăm lo bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội được các đơn vị quan tâm chú trọng. Phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào, cuộc vận động của các cấp, ngành được tổ chức chặt chẽ; thực hiện tốt công tác khen thưởng, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”... CTTT đã góp phần quan trọng xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường, quan điểm vững vàng; ý thức trách nhiệm cao, luôn phát huy bản chất cách mạng, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng, hiệu quả CTTT ở một số đơn vị LLVT Quân khu còn bộc lộ những hạn chế. Công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng trong quản lý, giáo dục, chấp hành pháp luật, kỷ luật chưa sâu, chưa kỹ; công tác nắm, dự báo về tư tưởng, kỷ luật có thời điểm chưa theo kịp sự biến đổi của tình hình; biện pháp ngăn ngừa chưa kịp thời, dẫn đến các vụ vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội vẫn còn xảy ra, trong đó, có vụ việc nghiêm trọng.

CTTT ở đơn vị là một nội dung của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đội ngũ CBCT trong LLVT Quân khu, những người chủ trì về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị cơ bản phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, trình độ năng lực, kiến thức, kinh nghiệm trong tiến hành CTTT. Song bên cạnh đó, một số CBCT năng lực tiến hành CTTT còn hạn chế, trong đó một bộ phận cán bộ trẻ, cán bộ mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm chỉ huy, quản lý, giáo dục, thuyết phục bộ đội, cũng như kinh nghiệm trong nắm, quản lý và giải quyết tình hình tư tưởng ở đơn vị. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu thường xuyên bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho đội ngũ CBCT ở đơn vị cơ sở trong LLVT Quân khu.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ CTĐ, CTCT, nội dung bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho CBCT ở đơn vị cơ sở rất toàn diện, là toàn bộ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm tiến hành CTTT, trong đó cần tập trung vào các quan điểm, nguyên tắc, phương châm, quy tắc, chế độ, nội dung, quy trình, phương pháp các bước tiến hành CTTT như: Tiến hành giáo dục chính trị; tuyên truyền cổ động; hoạt động văn hóa quần chúng; thi đua khen thưởng; xây dựng môi trường văn hóa; nắm và định hướng dư luận, giải quyết các vấn đề về tư tưởng trong đơn vị...


Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 382.  Ảnh: MẠNH NGUYÊN

Việc bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho CBCT ở đơn vị cơ sở cần được tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp đồng bộ, với những yêu cầu, nội dung, giải pháp cụ thể, tập trung vào các nội dung cơ bản như sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho CBCT. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT nói chung, hoạt động CTTT nói riêng; đồng thời bám sát vào các công văn, chỉ thị, hướng dẫn của trên và tình hình thực tiễn đơn vị để trao đổi thống nhất, xây dựng và ban hành kế hoạch, hướng dẫn về nhiệm vụ CTĐ, CTCT, kế hoạch bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT; chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, phương pháp tiến hành CTTT cho CBCT đảm bảo sát yêu cầu nhiệm vụ, thực tế đơn vị. Thực hiện tốt việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CTTT. Quan tâm xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng TSVM, tiêu biểu gắn với xây dựng đơn vị VMTD “Mẫu mực, tiêu biểu”, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho CBCT phấn đấu và rèn luyện.

Hai là, cơ quan chính trị các cấp chủ động tham mưu đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho CBCT ở đơn vị cơ sở. Cơ quan chính trị phải nắm vững tình hình chất lượng cán bộ nói chung và CBCT nói riêng ở đơn vị, tham mưu giúp đảng ủy những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT của CBCT; chú trọng tham mưu tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, hội thi về CTTT có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả.

Ba là, phát huy ý thức trách nhiệm tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tiến hành CTTT của CBCT. Tự bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, năng lực tiến hành CTTT của CBCT thông qua thực tiễn, tổ chức hoạt động xây dựng đơn vị như: Các đợt sinh hoạt, học tập chính trị hằng năm; các cuộc vận động, phát động thi đua, hội thi, hội thao, thi tìm hiểu về truyền thống đơn vị; thông qua việc cá nhân tự nghiên cứu học tập, tự rèn luyện, tự bồi dưỡng để nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ CBCT phải tích cực tìm tòi, sáng tạo, vận dụng linh hoạt những hình thức, phương pháp tiến hành CTTT sinh động, phù hợp với đặc điểm, khả năng, trình độ của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc, quy trình: nắm, quản lý, dự báo, định hướng, giải quyết tư tưởng ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành vấn đề lớn, phức tạp; nghiên cứu, vận dụng tốt tài liệu “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở” vào thực tiễn quản lý bộ đội.


Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 346 hành quân diễn tập.   Ảnh: BÙI HIỆP

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức đoàn trong tổ chức bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT. Hoạt động giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên là một bộ phận cấu thành năng lực tiến hành CTTT của CBCT ở các đơn vị cơ sở. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì đơn vị cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đoàn hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Chú trọng kiện toàn ban chấp hành đoàn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn, tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên, thông qua đó, nâng cao năng lực tiến hành CTTT của đội ngũ CBCT.

Năm là, duy trì nền nếp hoạt động CTĐ, CTCT, bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí, trang bị, vật tư CTĐ, CTCT, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến hành CTTT. Trong đó thực hiện tốt chế độ giao ban CTĐ, CTCT, chú trọng sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tiến hành CTTT. Thông qua giao ban, đánh giá hoạt động CTĐ, CTCT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy kịp thời rút kinh nghiệm, xác định rõ khâu yếu, mặt yếu, có chủ trương, biện pháp phù hợp bồi dưỡng năng lực tiến hành CTTT cho CBCT, tạo điều kiện cho CBCT học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ năng lực qua hoạt động thực tiễn ở đơn vị.

Đại tá Bùi Viết Sơn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục