Phát huy vai trò nòng cốt xây dựng thế trận lòng dân
Cập nhật ngày: 21/11/2022 10:08 (GMT +7)

Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận lòng dân, nhất là ở địa bàn biên giới, chủ động triển khai toàn diện các hoạt động vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống vừa củng cố quốc phòng, an ninh. Qua đó tạo điều kiện để nhân dân bám làng, bám bản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.

Đại tá Lê Văn Bền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, có chiều dài đường biên 231,74km tiếp giáp Trung Quốc; địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, có 20 xã, 1 thị trấn với 261 thôn, bản giáp biên; hơn 80% người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh còn hơn 800 hộ nghèo, hơn 1.000 hộ cận nghèo, 644 thôn, 88 xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn xác định xây dựng thế trận lòng dân là nhiệm vụ quan trọng, vừa cơ bản lâu dài, vừa mang tính thường xuyên, cấp bách, tạo nền tảng vững chắc xây nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên địa bàn".


Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn giúp nhân dân xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn mở rộng đường.


Với chủ trương đó, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới. Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, phát huy hiệu quả truyền thanh nội bộ. Tập trung tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và người dân trên địa bàn nắm chắc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; vị trí, vai trò biên giới quốc gia và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Qua đó góp phần giúp nhân dân hiểu và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động chống phá, xâm phạm biên giới quốc gia; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đại tá Bùi Quang Thắng, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Một trong những biện pháp cốt lõi để Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc là tích cực tham mưu và tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nổi bật như việc tuyển chọn đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác QP, QSĐP; giáo dục kiến thức QPAN hằng năm cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dân tộc thiểu số và chức sắc tôn giáo; tham mưu thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác QP, QSĐP; đồng thời chú trọng làm tốt công tác phát triển đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số". Đến nay, toàn tỉnh đã có 47 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; kết quả phân loại tổ chức đảng hằng năm có trên 78% chi bộ đạt TSVM; hơn 94% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách dân số vùng biên; ưu tiên phát triển dân cư tại chỗ kết hợp với đưa dân từ địa bàn khác đến khu vực biên giới sinh sống, phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm dân cư: "Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới", "Điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng", tiến tới hình thành thôn, làng, bản biên giới ổn định, bền vững; có chính sách hỗ trợ vốn, kiến thức, phương pháp tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với từng địa phương; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất kinh tế hàng hóa ở khu vực biên giới. Qua đó, xây dựng lực lượng lao động, lực lượng bảo vệ, chiến đấu tại chỗ, tạo thế vững cho địa bàn biên giới phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm QPAN. 

Cùng với đó, các đơn vị LLVT tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới “xóa đói, giảm nghèo”. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, qua thực hiện phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới", LLVT tỉnh Lạng Sơn đã huy động được hơn 250.000 ngày công, nạo vét gần 80km kênh mương nội đồng; san lấp, đào đắp hơn 18.000m3 đất đá; đổ bê tông làm gần 40km đường; sửa chữa, làm mới hơn 75km đường giao thông liên thôn, liên xã; thực hiện hơn 86.000 ngày công giúp đỡ gia đình chính sách, hơn 2.300 ngày công tu sửa trường học và các công trình phúc lợi, cùng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa khác…. Bằng những việc làm thiết thực, góp phần giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống, xóa bỏ các tập tục, tập quán lạc hậu, khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; nhân dân yên tâm bám làng, bám bản, giữ vững biên cương.

 

QUỐC HẢ-DƯƠNG NGUYÊN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục