Những năm qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả trong tham gia thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương.

Trung tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục DQTV, Bộ Tổng Tham mưu vừa trả lời phỏng vấn xoay quanh những kết quả đạt được và phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

PV: Đề nghị đồng chí đánh giá về những kết quả nổi bật trong hoạt động, tổ chức huấn luyện, xây dựng lực lượng DQTV thời gian vừa qua?

Trung tướng Phạm Quang Ngân: Thời gian qua, lực lượng DQTV cả nước luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin với cấp ủy, chính quyền địa phương và giành được tình cảm yêu mến của các tầng lớp nhân dân.


Trung tướng Phạm Quang Ngân.  

Lực lượng DQTV được tổ chức xây dựng đúng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu, thành phần hợp lý. Đến nay, toàn quốc đã tổ chức hơn 24.000 cơ sở DQTV, đạt 1,45% so với tổng dân số, tỷ lệ đảng viên đạt hơn 24%; 100% thôn, bản, tổ dân phố có lực lượng dân quân tại chỗ; cấp xã có lực lượng dân quân cơ động, xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh có lực lượng dân quân thường trực (DQTT); cấp huyện, tỉnh có lực lượng dân quân cơ động; các địa phương đều tổ chức DQTV chuyên ngành trinh sát, công binh, y tế, phòng hóa, pháo binh. Nơi làm việc của Ban CHQS cấp xã được quan tâm xây dựng, bảo đảm điều kiện làm việc tốt nhất cho lực lượng DQTV. Đến nay, đã có 4.376 ban CHQS cấp xã có trụ sở làm việc riêng; hơn 6.000 ban CHQS xã có phòng làm việc riêng trong trụ sở UBND; 144 ban CHQS xã có phòng làm việc chung với các ban, ngành, đoàn thể trong trụ sở UBND.

Hằng năm, công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật cho DQTV được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, quân số tham gia 95,9%, nội dung huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn hoạt động, chất lượng huấn luyện từng bước được nâng lên. Toàn quốc đã đào tạo được hơn 31.000 chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã, trong đó có hơn 6.000 đồng chí đã phát triển, đảm nhiệm chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy và chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, góp phần xây dựng củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Lực lượng DQTV luôn gương mẫu, đi đầu, làm nòng cốt trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ và giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia. Tính từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã huy động gần 3 triệu lượt DQTV với hơn 10 triệu ngày công thực hiện các nhiệm vụ.


Dân quân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. 

Cả nước hiện đã xây dựng được 289 đơn vị điểm thuộc 11 loại mô hình điểm đơn vị DQTV, nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả, như: Dân quân phụ trách hộ gia đình; tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp (tư nhân, có vốn FDI); hải đội DQTT tại các tỉnh, thành phố; chốt DQTT trên tuyến biên giới đất liền...

PV: Đồng chí vừa đề cập đến mô hình hải đội DQTT tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Kết quả hoạt động của các đơn vị này thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Quang Ngân: Việc tổ chức, xây dựng các hải đội DQTT là yêu cầu khách quan nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân trên biển để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thời gian qua, các tàu hải đội DQTT đã được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ trên biển, vừa tổ chức đánh bắt, khai thác hải sản, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân, tạo sản phẩm xã hội, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đặc biệt, một số tàu hải đội DQTT đã được huy động tham gia trực sẵn sàng chiến đấu trên một số khu vực biển trọng điểm của Tổ quốc, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam; bảo vệ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, bảo vệ ngư trường; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

PV: Còn mô hình chốt DQTT ở biên giới được triển khai xây dựng và hoạt động như thế nào?

Trung tướng Phạm Quang Ngân: Chốt DQTT là mô hình đã được triển khai tại các địa phương trên tuyến biên giới đất liền. Hiện cả nước đã triển khai xây dựng hàng trăm chốt DQTT trên tuyến biên giới đất liền gắn với các điểm dân cư và đồn, trạm biên phòng. Bộ Quốc phòng đã và đang đầu tư ngân sách cho một số địa phương khó khăn để xây dựng chốt tại các tuyến biên giới, đặc biệt là ở các xã trọng điểm. Một số địa phương địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 dọc theo tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đã hoàn thành quy hoạch và triển khai xây dựng. Còn lại trên tuyến biên giới phía Bắc, biên giới Việt-Lào, các địa phương cũng đang tích cực triển khai. Với những chốt đã hoàn thành tổ chức biên chế lực lượng DQTT đầy đủ và duy trì hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, các chốt DQTT này đã phối hợp rất tốt với Bộ đội Biên phòng, các lực lượng chức năng của địa phương tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống vượt biên trái phép, chống gian lận thương mại, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, mốc giới Tổ quốc, làm điểm tựa cho bà con nhân dân làm ăn sinh sống, góp phần gìn giữ biên cương.

Ngoài ra, đây cũng chính là nơi để DQTT rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, công tác quản lý, chỉ huy, nhận thức chính trị, nhận thức về yêu cầu nhiệm vụ, từ đó tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, địa phương các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

PV: Để tiếp tục xây dựng lực lượng DQTV phát triển “vững mạnh, rộng khắp”, đặc biệt là ở biên giới, hải đảo và các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh thì cần những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Quang Ngân: Chúng tôi bám sát phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt coi trọng địa bàn tuyến biên giới, biển, đảo, các khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh để xây dựng lực lượng DQTV.

Trong thời gian tới, Cục DQTV sẽ tham mưu với cấp trên và phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về DQTV; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ trì các cấp và đội ngũ cán bộ quân sự ở cấp xã, ở cơ quan, tổ chức để nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTV. Các địa phương, cơ quan, tổ chức cần thực hiện nghiêm chế độ đăng ký, quản lý DQTV, lồng ghép đăng ký nguồn sẵn sàng nhập ngũ với đăng ký độ tuổi thực hiện DQTV; tuyển chọn, sắp xếp đúng, đủ thành phần lực lượng theo quy định, khắc phục tình trạng mất cân đối lực lượng ở địa bàn các xã biên giới, hải đảo; bảo đảm đầy đủ kịp thời chế độ, chính sách để cán bộ, chiến sĩ DQTV yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với DQTV khi Chính phủ điều chỉnh mức lương mới từ ngày 1-7-2023 để có căn cứ thực hiện chế độ xứng đáng, phù hợp hơn đối với lực lượng DQTV.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC HÂN (thực hiện)

Nguồn: Báo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục