Bình Gia giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Cập nhật ngày: 12/02/2018 14:18 (GMT +7)

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc khơi dậy, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Người Nùng xã Quang Trung, huyện Bình Gia nhuộm vải chàm

Huyện Bình Gia hiện có 5 dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, điển hình là các di sản văn hóa phi vật thể như: các làn điệu then, sli, lượn, quan làng, cỏ lẩu, múa sư tử, võ dân tộc… Hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú với 34 di tích lịch sử cách mạng, danh thắng, khảo cổ học, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 3 di tích khảo cổ cấp quốc gia là hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên và hang Kéo Lèng…

Để việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được hiệu quả, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ông Lèo Văn Hiệp, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) huyện Bình Gia cho biết: Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, phòng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như: thực hiện kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể; cử cán bộ sưu tầm, ghi chép, ghi âm, phục dựng các di sản… Đồng thời phối hợp cùng Ban quản lý Di tích tỉnh rà soát, kiểm kê di tích để đưa vào danh mục của tỉnh; rà soát việc khoanh vùng cắm mốc tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất đối với các di tích trên địa bàn huyện… Bên cạnh đó, phòng đã tham mưu cho UBND huyện Bình Gia ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 30/6/2017 về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo đó, việc khôi phục lại những lễ hội truyền thống được UBND huyện rất quan tâm và chú trọng. Huyện Bình Gia hiện có  82 lễ hội, diễn ra từ 1/1 âm lịch hằng năm, những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được tổ chức như: hội Bản Chu (xã Hưng Đạo), hội Bản Muống (xã Mông Ân), hội Bản Giểng (xã Hoa Thám), hội Năm SLim (xã Hồng Phong)… Nổi bật và đặc sắc hơn cả là lễ hội Phài Lừa - Văn Mịch, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được phục dựng từ năm 2003 và tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 4/4 năm nhuận. Trong năm 2017, Phòng VHTT đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức lễ hội điểm của huyện tại xã Quang Trung và tổ chức thành công Lễ hội Phài Lừa, lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận lễ hội Phài Lừa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với việc duy trì các lễ hội, UBND huyện luôn tạo điều kiện khuyến khích đồng bào các dân tộc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như: tục dệt vải, nhuộm áo chàm của người Tày, Nùng, các làn điệu then, sli, lượn… Năm 2017, huyện đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình quảng bá làn điệu hát sli và truyền thống nhuộm vải chàm của người Nùng tại xã Thiện Thuật phát trên kênh VTV1.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được huyện Bình Gia tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, loại hình văn hóa được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 Chi hội Bảo tồn dân ca và 11 câu lạc bộ (CLB) bảo tồn dân ca với gần 200 hội viên, chi hội và các CLB đã hướng dẫn, động viên khuyến khích các hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn và lưu giữ những làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc. Năm 2017, huyện đã tổ chức  thành công liên hoan văn nghệ quần chúng và gần 50 chương trình giao lưu, biểu diễn văn nghệ, hội thi, hội diễn…

Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn, ngành chức năng huyện đã lồng ghép nội dung bảo tồn di sản văn hoá vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; tăng cường tuyên truyền giúp nhân dân hiểu hơn vai trò, ý nghĩa việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hoá đặc trưng, vốn có của dân tộc. Với các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, huyện Bình Gia đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

Theo Tuyết Mai/Báo Lạng Sơn

 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục