Độc đáo lễ hội cầu mùa
Cập nhật ngày: 15/02/2019 09:49 (GMT +7)

Khi hoa đào rực rỡ khoe sắc trên quê hương Việt Bắc cũng là lúc bà con dân tộc Sán Chay (Phú Lương, Thái Nguyên) náo nức sửa soạn lễ vật chuẩn bị cho nghi thức cầu mùa. Đây là hoạt động sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc với những nét riêng, độc đáo và là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của bà con khi tết đến, xuân về.

Người Sán Chay tập trung chủ yếu ở các xã Tức Tranh, Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô của huyện Phú Lương. Với vốn văn nghệ dân gian khá phong phú và đa dạng, họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng, trong đó Lễ hội cầu mùa là di sản văn hóa sản phi vật thể cấp quốc gia thứ 3 của người Sán Chay được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận (sau hát Sấng Cọ (Hát ví Lưu Tam) và múa Tắc xình). Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của đồng bào và được người Sán Chay gìn giữ, truyền lại qua bao thế hệ. 


Múa Tắc xình trong lễ hội cầu mùa. Ảnh: TH

Lễ hội cầu mùa thường được tổ vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Vào ngày diễn ra nghi thức cầu mùa, người dân trong làng cùng nhau chuẩn bị lễ vật chính, gồm có thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, mâm xôi, con gà, quả trứng, các loại bánh do, bánh dày bà con tự làm, hoa quả, đèn, nến, 2 cây nêu để 2 bên… Ngoài ra, đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ với các họa tiết, hình vẽ cổ dựng quanh mâm lễ vật. Bên cạnh đó, còn cần một thanh kiếm (hoặc đao), tượng trưng cho những dụng cụ làm đất trồng trọt và chiếc trống đất được làm từ vỏ cây.

Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, vào giờ tốt, sau một hồi trống đất, chủ lễ trong trang phục tế lễ bắt đầu lễ cúng cầu mùa. Ông đọc lời khấn từ một cuốn sách, chép lại lời khấn cổ xin trời đất, thần linh, tổ tiên ban phúc cho mưa thuận gió hòa, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên nhà nhà mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, mọi người có cuộc sống no đủ. Trong khi chủ lễ làm lễ cúng xin trời đất, người gõ trống đất liên tục gõ những nhịp đều nhỏ, tiếng vang từ chiếc trống đất được coi như là chiếc cầu nối trời đất, âm dương, tiếng trống vang xa trầm hùng dội lên trời cao và lặn sâu xuống lòng đất như gửi gắm và truyền tải ước vọng của bà con đến các thần linh. Khi tiếng trống đất được đánh dồn dập, chủ lễ sẽ xin âm dương, được chấp thuận cũng là lúc trống dứt, phần lễ cầu mùa kết thúc. Đây cũng là lúc diễn ra điệu múa Tắc xình, đây chính là điểm nhấn của lễ hội cầu mùa.

 Phần hội được bắt đầu với điệu múa Tắc xình. Đây là điệu múa dành riêng cho lễ cầu mùa, với các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất, gồm 9 điệu cơ bản:  thăm đường; lập làng; bắt quyết; đánh mài dao; phát nương dọn rẫy;  tra mố; hái lượm; mừng mùa vụ; chim câu. Vũ điệu tuy đơn giản nhưng khỏe mạnh, dứt khoát dưới sự dẫn dắt, giữ nhịp của tiếng nhạc phát ra từ giàn nhạc cụ thô sơ, dân dã lại trở nên vô cũng hấp dẫn với người xem. Sau điệu múa, người Sán Chay cùng nhau hát những bài ca dân gian, diễu hành vòng quanh để thể hiện cho sự gắn bó của bà con trong bản. Lễ cầu mùa khép lại khi  bà con Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, ấm áp cùng với những lời chúc cho một mùa vụ mới thật no ấm.

Trong không khí xuân náo nức, có dịp hòa mình vào không gian lễ hội đầy màu sắc,  cùng lắc lư theo từng điệu nhảy “Tắc - tắc - xình, tắc - tắc - xình...” và cùng nhau nâng chén rượu nồng để thấy xuân đang về trên những đồi chè bát ngát, với mong ước một năm mới, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, nhà nhà no ấm... 

THÙY ANH

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục