Người Quan họ “Khi vui rượu Thánh”
Cập nhật ngày: 12/02/2018 15:54 (GMT +7)

Mùa xuân ngàn năm trước vùng Kinh Bắc đã có bao làng cùng nhân dân Quan Đình, Quan Độ dâng rượu tiến vua và khao tướng sĩ Đại Việt đã chiến thắng giặc đại Tống trên phòng tuyến sông Cầu trải dài từ bến đò Như Nguyệt (huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh) đến chân dãy núi Nham Biền (huyện Yên Dũng- tỉnh Bắc Giang).

Còn đây những chum chóe hũ vò be nậm tước… mang dấu ấn sáng tạo của nghệ nhân, hiệp thợ Thổ Hà, Bát Tràng, Phù Lãng thuộc ba trung tâm gốm nổi tiếng xứ Kinh Bắc từ thời Lý vẫn lưu hương rượu nếp cái hoa vàng vang danh “mỹ tửu” “rượu Thánh” trong đời sống hôm nay. Văn hóa rượu thấm đậm ngọt ngào trong cả lời ca Quan họ.

 

 

Ấm quả dưa.

 

“Tay tiên chuốc chén i ì í i  i í rượu í i đào, ố rằng đổ đi í i/, đổ đi thời tiếc i í i i í uống í i vào, uống vào thời say i ru i ì hời. Ru hời ru hỡi i ì í i i í hỡi í i hời, hỡi hời hời ru i, tính ru i ì tình ru.

  (Mời rượu)

Những dịp hội hè, đình đám, lễ tết, tiệc tùng… chén rượu không thể vắng bóng trong các nghi lễ truyền thống cộng đồng: cúng tế thần linh nơi đình, đền, phủ miếu; chia sẻ cảm thông hay chúc tụng khoản đãi họ hàng, làng nước, bạn hữu trong những sự kiện, kỳ cuộc…

 

 

Bát men ngọc.

 

Có ngàn lẻ một lý do, hoàn cảnh để uống rượu. “Tẩy trần một chén thong dong” khi giải mệt nhọc ưu phiền, “Tiễn nhau một chén quan hà” khi chia xa.“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu”, “chén hà sánh giọng quỳnh tương” khi gặp mặt. “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” lúc nhớ nhung. Tạo nhã hứng khi “cầm, kỳ, thi, họa” (đánh đàn, chơi cờ, làm thơ, vẽ tranh):

 

 

Ấm quả bưởi.

 

Duyên kia bầu rượu cung đàn

Khi vui rượu Thánh khi màng cờ tiên”

(Thuyền mở lái chèo)

Hình ảnh “Bầu rượu- túi thơ” biểu thị cho cốt cách thanh tao của các danh nhân, nho sĩ Kinh Bắc:

 

  

Ấm quả bầu.

 

“Đeo bầu mang tiếng thị phi

Bầu không có rượu lấy gì mà say”

(Rượu ngon trong hũ)

Rượu nấu quanh năm và rượu uống tứ mùa “Còn giời còn nước còn non/Còn cô bán rượu tôi còn say sưa” nhưng ngon nhất vẫn là từ cuối Thu. Khi tiết trời chớm lạnh gió heo may, uống chén rượu để đẩy phong hàn chướng khí ra khỏi xương cốt, giúp cân bằng lại âm-dương cơ thể há chẳng lý thú, ý vị lắm sao. Người Quan họ cho rằng ẩm thực đúng “thời trân” mới thực là sành điệu.

 

  

Ấm voi.

 

 “Mùa Thu uống rượu Cúc hoa

Đông thơ Bạch tuyết ngâm nga say đời”

 (Bốn mùa)

Nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII thời Lê - Trịnh - một hậu duệ gốc Lý đã viết trong “Vân Đài loại ngữ”: “Tháng chín, hết sương giáng thì hàng rượu mở cửa”, “Tháng mười là tiết tiểu xuân, bấy giờ đầu mùa đông ấm áp, người ta cũng gọi tháng mười là tháng phơi gạo nếp vì lúc bấy giờ gặt hái đã xong, chính là lúc nhà nông nghỉ ngơi, say sưa”.

 

  

Ấm long phượng.

 

Người Quan họ, thường xếp rượu ngon vào hàng “mỹ tửu” hay còn gọi là “rượu Thánh”. Loại rượu thượng đẳng ấy được thăng hoa từ nếp cái hoa vàng và men thiên nhiên của 36 vị thuốc bắc đồng thời hội đủ các tiêu chí: “Rượu tinh, rượu tính, rượu tình”. “Rượu tinh, rượu tính” là sự đề cao kỹ năng kỹ xảo, tài nghệ đặc biệt của người nắm vững bí kíp trưng cất rượu để khởi dậy lên kỳ sắc, kỳ hương, kỳ vị, kỳ linh của thứ “nước có lửa” này. “Rượu tình” ẩn lộ được tâm tư, tình cảm, nghĩa cử của người thưởng thức cùng không khí đối ẩm cụ thể.

 

  

Hũ sành.

 

Sinh trưởng trong vùng văn hiến lâu đời, rực rỡ truyền thống khoa bảng “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn” nên người Quan họ  ít khi dùng từ “uống rượu” mà thường nói “nhắm rượu”, “thưởng rượu”.  Nốc tu ừng ực cả vò cả chai dễ bị thiên hạ chê cười coi là kẻ phàm phu tục tử, dạng “Ngưu ẩm” (trâu uống).

 

 

Ấm cá tôm.

 

Cúng tế thần linh hay cùng nhau “nhắm rượu” “thưởng rượu” người Quan họ thường chiết rượu từ chum, vò, hũ khổng lồ sang ấm, nậm, be, bầu có kích cỡ vùa phải hay nhỏ xinh. Hết rượu lại chiết tiếp cho đủ lệ mới thôi.

“Đất lề quê thói”, chuyện ẩm thực với người Quan họ được coi là một nét đẹp văn hóa nên mỗi cá nhân phải có phong thái thưởng thức lịch sự, tinh tế. “Nhắm rượu”, “thưởng rượu” chính là để tâm hồn bay bổng, hòa quyện vào vẻ đẹp thiên nhiên, bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước:

“Ngồi rằng (là) ngồi tựa (có mấy) mạn thuyền là ngồi tựa (có hơ) mạn thuyền

Trăng in (là in) mặt nước cũng có (a) càng nhìn (là) càng nhìn non nước càng xinh (ư hư là ôi hư) Sơn rằng (là) sơn thủy (có mấy) hữu tình là sơn thủy (có hơ) hữu tình.

Thơ ngâm (là ngâm) ngoài lái cũng có (a) rượu bình (là) rượu bình giải trí trong khoang ư hư là ôi hư”. (Ngồi tựa mạn thuyền).

Trong tình yêu đôi lứa, người Quan họ cũng mượn hình ảnh rượu để thể hiện tâm nguyện thủy chung và sự mê say của mình:

… “Say tình ta uống cho sâu

Rót tơ lòng ấy cho sầu vơi đi

Gập ghềnh duyên số quản chi

Rượu đào chắp mối đền nghì trúc mai”

…“Đôi ta như rượu mới nem

Đang say ngây ngất ai dèm chớ xa”

Dân gian có câu “thần nào của ấy”, “người sao vật vậy”. Đồ ngự dụng dành cho vua ắt phải khác đồ quan dụng, dân dụng. Đồ thờ cũng khác đồ dùng hàng ngày.

Xưa nay, đồ dùng cho rượu được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu (Gốm, đồng, gỗ, đá, bạc, vàng, ngọc. thủy tinh) nhưng phổ biến nhất vẫn là gốm. Người Quan họ ưa chuộng đồ gốm bởi chúng vốn là đặc sản “cây nhà lá vườn” của xứ Kinh Bắc và có thương hiệu trên thị trường trong nước, nước ngoài. Ba dòng gốm: Thổ Hà, Bát Tràng, Phù Lãng mỗi nơi mỗi vẻ nhưng đều “mười phân vẹn mười”. Gốm Thổ Hà là con đẻ của đất sét vàng khi nung “nặng lửa” sẽ hóa sành rắn đanh, màu thâm tím, gõ có tiếng kêu trong ngân như tiếng chuông. Gốm Phù Lãng thoát thai từ đất sét hồng đỏ được “hỏa biến” ở nhiệt độ cao 1250o-1300o thì tạo ra men da lươn. Gốm Bát Tràng nung “nhẹ lửa” hơn nhưng lại phủ men và phong phú về màu men. Nếu đồ gốm Thổ Hà, Phù Lãng đượm vẻ đẹp mộc mạc, chân chất “hồn nhiên nhi nhiên”, khỏe khoắn của một thôn nữ  thì gốm Bát Tràng có phần cảnh vẻ, xuân sắc của một giai nhân.

Đồ dùng cho rượu  gồm nhiều loại: chum, vò, hũ, chóe, ấm, nậm, be, cút, ngỗng, tước, bôi nhĩ, chén, bát… Tùy từng kiểu dáng và dung tích mà định danh tên gọi cho từng thứ đồ. Tước là ly, cốc uống rượu chân cao. Bôi nhĩ là cái chén nông lòng, hình thon giống vành tai có quai đối xứng ở hai bên. Theo đơn vị đong lường dân gian nậm rượu chứa 330ml, cút rượu chứa khoảng 1/4 hoặc 1/8 lít. Còn chum, chóe, hũ, vò có thể chứa vài chục lít thậm chí hàng trăm lít.

Sở dĩ người Quan họ rất “kén” đồ gốm, nhất là loại gốm sành dày dặn bởi lẽ loại gốm “trơ gan cùng tuế nguyệt” này sẽ có tác dụng khử độc tố (Anđêhýt) trong rượu sau khi nấu, giúp cho rượu ngấu nhanh, ngọt êm, đầm vị, lưu hương. “Rượu ngon trong hũ đong ra” nổi trội “hồn vía” nhờ cách ngâm ủ nó trong chóe, hũ, chum, vò sành không tráng men.

Trong những dịp “trà dư tửu hậu” không thể không nhắc tới gốm Lý bởi đó là một trong đỉnh cao huy hoàng của gốm Việt. Đặc thù gốm Lý là sự thanh thoát, trang nhã trong hình khối, cực kỳ tinh mỹ trong đường nét họa tiết hoa văn trang trí. Chỉ tính riêng đồ uống rượu cũng đã khá nhiều kiểu dáng, kích cỡ, màu men và cách trang trí khác nhau: ấm chén hình trái cây (quả bầu, quả dưa, quả na, quả đào…); ấm hình các con vật (rồng,voi, ngựa). Hoa lá Sen, Cúc tưng bừng đua nở trên thân vai ấm. Men ngọc trứ danh với các sắc độ “lâm ly kỳ ảo” vờn phủ vào từng món đồ, biến hóa chúng thành những báu vật “trời cho”. Một số ấm, chén đã trở thành những trân ngoạn tuyệt phẩm được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân; trưng bày trong các Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng nước ngoài.

“Ngày xuân thong thả chén xuân tàng tàng” thưởng rượu trong những bộ đồ gốm ăm ắp vẻ đẹp thiên nhiên thì tình nào chẳng xuân.

Nguồn: Trương Thị Kim Dung/Báo Bắc Ninh
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục