Tối 5-4, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh. Đây là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Cụ thể, bệnh nhân, 2.632, nữ, 31 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngày 31-3, bệnh nhân trên từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Giang. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 5-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.


 

Bệnh nhân 2.633, nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Bệnh nhân 2.634, nữ, 30 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Ngày 3-4, các bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN319 và chuyến bay VN5319 đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 4-4, dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh nhân 2.635, nam, 34 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bệnh nhân 2.636, nam, 32 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Ngày 2-4, các bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN311 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 4-4, dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Quảng Nam.

Bệnh nhân 2.637, nam, 40 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Ấn Độ. Ngày 1-4, bệnh nhân trên từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 3-4, dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.


Bộ Y tế cho biết, tính đến chiều 5-4, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 910 ca. Cụ thể, Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh 61 ca, Gia Lai 27 ca, Hà Nội 34 ca, Bắc Ninh 5 ca, Bắc Giang 2 ca, TP Hồ Chí Minh 36 ca, Hòa Bình 2 ca, Hà Giang 1 ca, Điện Biên 3 ca, Bình Dương 6 ca, Hải Phòng 4 ca, Hưng Yên 3 ca. 10 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh đã qua 51 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; Hà Nội đã 48 ngày và Hải Phòng 41 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.478 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 498 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 18.870 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 8.110 người.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hôm nay (5-4), cả nước có 33 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 17 người; lần 2 là 9 người; lần 3 là 16 người.

Hà Nội bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Chiều 5-4, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, số ca mắc mới tăng 11%, vào khoảng 582.000 ca/ngày. Còn tại Việt Nam, từ ngày 29-3 đến 5-4 ghi nhận thêm 40 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, đã qua 49 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.


Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao, vì tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời tiếp tục xuất hiện thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, các chuyên gia tiếp tục nhập cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đặc biệt, hiện nay, dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nước ta là rất lớn.

Thời điểm hiện tại, thành phố đang triển khai xét nghiệm sàng lọc cho trường hợp nguy cơ tại các điểm di tích và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, từ ngày 29-3 đến 5-4, các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám sàng lọc 1.478 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở; xét nghiệm sàng lọc cho 3.414/26.000 nhân viên y tế và 89 bệnh nhân nội trú. Kết quả, tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, từ ngày 29-3 đến 5-4, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 260 người. Như vậy, tính từ ngày 9-3 đến nay đã tiêm cho 7.679 người và hiện sức khỏe đều bình thường. Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 năm 2021.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 1-4, Việt Nam đã tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên với 811.200 liều do chương trình Covax Facility hỗ trợ. Với lô vaccine này, Hà Nội được phân bổ 50.000 liều. Như vậy, đối tượng và địa bàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 2 sẽ rộng hơn đợt 1. Sở Y tế cũng tăng cường tập huấn công tác khám sàng lọc cho các đơn vị tiêm chủng, đồng thời thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, bảo đảm an toàn và công bằng trong sử dụng vaccine phòng dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, nguy cơ dịch Covid-19 luôn hiện hữu trên địa bàn thành phố, đồng thời cho rằng, theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, khi tình hình đang bình thường, chỉ cần một sự cố xuất hiện tại một điểm nào đó thì dịch đã lan đến các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì công tác phòng dịch một cách thường xuyên và liên tục; đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các ca mắc. Cụ thể, triển khai xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh đối với nhân viên y tế và các bệnh nhân có nguy cơ.

Đặc biệt, tới đây, khi thành phố chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 đợt 2 với số lượng và quy mô rộng hơn, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho công tác tiêm chủng, bảo đảm việc tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng đối tượng theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tuyệt đối bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Hơn 52.000 người được tiêm vaccine phòng Covid-19 

Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua đã có thêm 9.158 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tính đến 16 giờ ngày 4-4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố cho 52.413 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; các nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương.

Cụ thể, Hà Nội có 345 người; Hải Phòng có 1.556 người; Hải Dương có 1.156 người; Hòa Bình có 153 người; Hưng Yên có 34 người; Bắc Giang có 420 người; Hà Giang có 1.056 người; Điện Biên có 1.083 người; Thành phố Hồ Chí Minh có 2.570 người; Bình Dương có 59 người; Tây Ninh có 173 người và Gia Lai có 193 người.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang xây dựng kế hoạch triển khai để sớm đưa số vaccine phòng Covid-19 do COVAX viện trợ vào sử dụng.

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung -Khai báo y tế.

Gia Lai: Giải thể bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Ngày 5-4, 50 cán bộ y tế tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tỉnh Gia Lai hoàn thành cách ly y tế 14 ngày, để trở về các đơn vị tiếp tục công tác. Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 và thực hiện bàn giao lại trang-thiết bị cho các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động và chính thức thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 11-2. Bệnh viện có 61 y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động từ các bệnh viện, trung tâm y tế sang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 làm việc tại đây. Trong thời gian hoạt động, cùng với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, bệnh viện đã hoàn thành nhiệm vụ điều trị khỏi bệnh cho 27 bệnh nhân.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục