GS, TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có bài viết nghiên cứu về giải pháp phòng, chống Covid-19 gửi Báo Quân đội nhân dân. Bài viết cũng là nội dung bức thư GS Nguyễn Thiện Nhân gửi đến ngài Tổng giám đốc WHO ngày 9-4-2021, kiến nghị giải pháp tiêm vaccine toàn cầu phù hợp với phân bổ nguồn lây nhiễm Covid-19 toàn cầu.

Mức độ và các “ngưỡng” lây nhiễm sau một năm

Vì số người đang được điều trị thông thường phụ thuộc vào dân số của lãnh thổ nên số người đang được điều trị trong 1 triệu dân được tính toán để so sánh mức độ lây nhiễm giữa các vùng lãnh thổ (quận/huyện hoặc đất nước).

Tính đến ngày 13-3-2021 có 4,5 người đang được điều trị trên 1 triệu dân ở Việt Nam; 68,7 ở Nigeria; 134,4 ở Hàn Quốc; 524,2 ở Philippines; 1.454 ở Đan Mạch; 2.094 ở Mexico; 3.618 ở Thụy Sĩ; 6.006 ở Bulgaria; 10.428 ở Anh; 14.590 ở Hungary; 22.317 ở Mỹ; 31.352 ở Síp; 56.594 ở Pháp và 62.838 ở Bỉ. Tức là mức độ lây nhiễm-nguồn lây nhiễm ở các nước là rất khác nhau. Như vậy, nguồn lây nhiễm (tính cho mỗi 1 triệu dân) ở Hàn Quốc gấp hơn 100 lần ở Việt Nam, ở Đan Mạch gấp hơn 300 lần, ở Thụy Sĩ gấp hơn 800 lần, ở Mỹ gần 5.000 lần và ở Pháp hơn 12.000 lần.

Từ tháng 1-2020, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý y tế tranh luận khi nào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần tuyên bố có dịch Covid-19 toàn cầu. Thực tế ngày 30-1-2020, WHO đã tuyên bố xuất hiện dịch Covid-19 ở Vũ Hán và ngày 11-3-2020 đã ghi nhận sự lây lan Covid-19 như đại dịch toàn cầu.

Thực tế ngưỡng lây nhiễm chuyển giai đoạn từ lây nhiễm Covid-19 sang dịch Covid-19 là rất quan trọng để xác định các biện pháp cần thiết phòng ngừa. Chúng ta có thể lấy mức độ lây nhiễm toàn cầu khi WHO tuyên bố có đại dịch ngày 11-3-2020 làm điểm xuất phát để xác định ngưỡng chuyển giai đoạn. Vào ngày đó, có 8,65 người đang được điều trị trên 1 triệu dân toàn thế giới. Sau ngày 11-3-2020, số người đang được điều trị trên 1 triệu dân đã tăng không ngừng, lên 401 ngày 11-6-2020, 870 ngày 11-9-2020, 2.283 ngày 11-12-2020, 2.957 ngày 26-1-2021, sau đó giảm xuống 2.660 ngày 7-3-2021 và lại tăng lên 2.750 ngày 23-3-2021 (hình 1).


 Mức độ lây nhiễm và tình hình dịch Covid-19 trên thế giới.

Lưu ý rằng, không phải tất cả những người bị nhiễm được xác định đầy đủ, chúng ta có thể chọn số người đang được điều trị trên 1 triệu dân là 10 người (ngày 11-3-2020) làm ngưỡng chuyển giai đoạn từ lây nhiễm Covid-19 sang dịch Covid-19 và ngược lại. Với nhận thức này, lây nhiễm toàn cầu sau ngày 11-3-2020 ngày càng nặng hơn (hình 1). Mức độ lây nhiễm ngày 26-1-2021 là 2.957 người đang được điều trị trên 1 triệu dân, gấp gần 300 lần mức lây nhiễm ngày 11-3-2020 là 10 người đang được điều trị trên 1 triệu dân.

Một vùng lãnh thổ duy trì được trong thời gian tương đối dài số người đang được điều trị trên 1 triệu dân dưới 10 người thì được đánh giá là vùng lãnh thổ có lây nhiễm song không có dịch. Một vùng lãnh thổ duy trì tương đối lâu cho đến hiện nay số người đang được điều trị trên 1 triệu dân trên 10 người sẽ được coi là lãnh thổ có dịch. Nếu số người đang được điều trị trên 1 triệu dân toàn cầu giảm từ 2.750 người ngày 23-3-2021 xuống 10 người và duy trì một thời gian dài (không quá 10 người) thì có thể nói thế giới đã trở lại trạng thái trước khi có dịch.

 Phân loại các nước lây nhiễm

Theo số liệu của trang web thống kê thế giới Worldometers về tình hình lây nhiễm Covid-19 ở mỗi nước và vùng lãnh thổ (219 nước và vùng lãnh thổ) ta thấy:

Ngày 13-3-2021 có 7 nước và vùng lãnh thổ không có người lây nhiễm; có 5 nước và vùng lãnh thổ có số người đang được điều trị trên 1 triệu dân cao nhất, từ 40.647 đến 62.838 người. Câu hỏi đặt ra là bức tranh tổng thể toàn cầu về mức độ lây nhiễm ở 219 nước và vùng lãnh thổ như thế nào? Phù hợp với thống kê thế giới ngày 13-3-2021, chúng tôi phân chia 219 nước và vùng lãnh thổ thành 7 nhóm sau đây, với số người đang được điều trị trên 1 triệu dân (ĐĐT/1TD) tăng dần.

Nhóm 1 (không có dịch): 23 nước trong nhóm đều có số ĐĐT/1TD dưới 10 người; số ĐĐT/1TD trung bình của nhóm này chỉ là 1 người. Nhóm 2 (dịch rất yếu) gồm 29 nước và vùng lãnh thổ với số ĐĐT/1TD là 66,5 người, chiếm 12,8% dân số thế giới song chỉ có 0,3% tổng số người đang điều trị toàn cầu. Nhóm 3 (dịch yếu) gồm 72 nước và vùng lãnh thổ với số ĐĐT/1TD trung bình của nhóm này là 278,3, chiếm 40% dân số thế giới, song chỉ có 4,1% tổng số người đang điều trị toàn cầu. Nhóm 4 (dịch trung bình) gồm 16 nước và vùng lãnh thổ với số ĐĐT/1TD bình quân là 1.664,6, chiếm 4,1% dân số thế giới và có 2,5% tổng số người đang điều trị toàn cầu. Nhóm 5 (dịch trên trung bình) gồm 29 nước và vùng lãnh thổ với số ĐĐT/1TD trung bình là 2.521, chiếm 7% dân số thế giới và có 6,5% số người đang điều trị toàn cầu. Nhóm 6 (dịch nặng) gồm 24 nước và vùng lãnh thổ, với số ĐĐT/1TD trung bình là 5.928, chiếm 5,8% dân số thế giới và có 12,8% tổng số người đang điều trị toàn cầu. Nhóm 7 (dịch rất nặng) gồm 26 nước và vùng lãnh thổ với số ĐĐT/1TD trung bình là 27.093, chiếm 7,3% dân số thế giới và 73,74% tổng số người đang điều trị toàn cầu.

Có nghĩa là, 86,57% nguồn lây nhiễm Covid-19 toàn thế giới đang tồn tại ở 50 nước và vùng lãnh thổ có dịch nặng mà chỉ chiếm 13,18% dân số thế giới và 95,6% nguồn lây nhiễm toàn thế giới chỉ tập trung ở 95 nước có dịch nặng và trung bình, mà chỉ chiếm 24,02% dân số thế giới.

Nên tiêm chủng như thế nào cho phù hợp?

Với dân số thế giới khoảng 7,713 tỷ người, chúng ta phải tiêm phòng Covid-19 cho 5,4 tỷ người năm nay để đạt mức 70% dân số được tiêm phòng. Nếu vaccine chỉ có hiệu lực trong 4 đến 6 tháng thì có nghĩa là năm 2021 phải tiêm cho khoảng 10,8 tỷ lượt người. Do năng lực sản xuất vaccine có hạn nên từ nhiều tháng nay đã xuất hiện tranh luận nước nào được nhận vaccine trước và nhận bao nhiêu?


 Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

Vấn đề gốc rễ không phải là nước nào có khả năng thanh toán vaccine cho toàn bộ dân số của mình mà là khả năng cung ứng có đủ nhu cầu hay không? Một vấn đề quan trọng khác là việc loại bỏ dịch Covid-19 không phải là việc của mỗi nước mà là của toàn thế giới.

86,57% nguồn lây nhiễm của thế giới nằm ở 50 nước và vùng lãnh thổ “có dịch nặng”, chiếm chỉ 13,5% dân số thế giới (1,0163 tỷ người). Nếu chúng ta tiêm phòng bao phủ (70-100% dân số) các nước này thì chúng ta có thể giảm 86,57% nguồn lây nhiễm toàn thế giới. Tức là 1 triệu người đã được tiêm đủ liều sẽ giúp giảm 11.772 người đang điều trị ở các bệnh viện.

Nếu chúng ta tiêm phòng bao phủ ở 124 nước không có dịch và dịch yếu, chúng ta phải tiêm cho 5,8153 tỷ người (75,4% dân số thế giới), song khả năng là chỉ giảm được 4,4% tổng nguồn lây nhiễm toàn cầu (hình 2). Tức là 1 triệu người đã được tiêm đủ liều sẽ giảm 158 người được điều trị ở bệnh viện.

Vì vậy, WHO, các chính phủ cần thảo luận khẩn trương khi xem xét khả năng cung cấp và hiệu quả của vaccine đến tháng 6-2021 và tháng 12-2021 rằng nên phân bổ vaccine thế nào để các nguồn lây nhiễm toàn cầu giảm được nhanh nhất. Tiêm phòng cơ bản cho những người làm việc ở ngành y tế, nhân viên hải quan, hàng không và các nhóm nguồn nguy cơ cao ở mỗi nước cần được bảo đảm.

Trong hơn 120 nước và vùng lãnh thổ không có dịch và dịch yếu với hơn 74% dân số thế giới sinh sống nhưng chỉ có 4% nguồn lây nhiễm của thế giới tồn tại, các biện pháp phòng dịch không cần vaccine như khẩu trang, truy vết triệt để, xét nghiệm, cách ly các điểm dịch nặng cần được thực hiện nghiêm túc. Nếu sản xuất vaccine năm 2021 chỉ đủ cho khoảng 2 tỷ người (hơn 4 tỷ liều vaccine) thì ưu tiên tiêm phòng có lẽ là 50 nước và vùng lãnh thổ bị dịch nặng với dân số 1,0163 tỷ người, nơi có hơn 86% nguồn lây nhiễm toàn thế giới-những người đang điều trị ở các bệnh viện (Hình 2).


Phân bổ không tương ứng với dân số của các nguồn lây nhiễm và tác dụng dự kiến của tiêm chủng bao phủ. 

Với cách tiếp cận như vậy, chúng tôi đề xuất Chiến lược tiêm phòng vaccine 3 mức độ sau đây, như một phương án để thảo luận tại WHO, trong đó các con số cụ thể chỉ là các điểm khởi đầu cho thảo luận và ở các nước cụ thể sẽ được điều chỉnh.

Mức tiêm chủng 1 (tiêm chủng cơ bản) dành cho các nhóm rủi ro cao ở tất cả các nước và vùng lãnh thổ (nhân viên y tế, nhân viên hải quan và hàng không, chuyên gia làm việc ở nước ngoài...), các nhóm này được quy định khác nhau ở các nước khác nhau và chiếm khoảng 5-10% dân số một nước. Mức tiêm chủng 1 được áp dụng ở tất cả các nước và là hình thức tiêm chủng chủ yếu ở hơn 120 nước và vùng lãnh thổ không có dịch và có dịch yếu với hơn 74% dân số thế giới (5,8 tỷ người) đang sinh sống.

Mức tiêm chủng 2 (tiêm chủng điểm dịch nóng), bổ sung cho mức tiêm chủng 1, là việc tiêm chủng nhanh, kịp thời và triệt để cho những người đang sống ở các nơi có dịch nặng. Biện pháp này có thể là cần thiết cho hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, nơi có khoảng 850 triệu dân sống.

Mức tiêm chủng 3 (tiêm chủng bao phủ) là cần thiết ở các nước và vùng lãnh thổ bị dịch nặng kéo dài ở hơn 50 nước và vùng lãnh thổ với hơn 1 tỷ dân.

Chiến lược tiêm chủng 3 mức này có thể cho phép chúng ta, cùng với các giải pháp căn bản không dùng vaccine, chấm dứt dịch Covid-19 trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong khi chỉ cần tiêm chủng khoảng 20-25% dân số thế giới, tức là phải sản xuất và phân phối 1,5 tỷ đến 2 tỷ liều vaccine mỗi chu kỳ tiêm chủng.

Điều kiện cho kết quả này là các vaccine phải có tác dụng mạnh chống lại các biến thể mới của Covid-19.

Chiến lược 5 điểm

Sau một năm dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3-2020), chúng ta nhận ra đặc trưng của dịch này, đó là dù tất cả 219 nước và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch Covid-19 với các chủng khác nhau, mức độ nhiễm ở các nước là rất khác nhau.

Hơn 86% số người nhiễm đang điều trị sinh sống ở hơn 50 nước và vùng lãnh thổ chỉ với hơn 13% dân số toàn cầu (hơn 1 tỷ người) trong khi chỉ 4% tổng số người nhiễm đang điều trị của toàn thế giới đang sống ở hơn 120 nước và vùng lãnh thổ với hơn 74% dân số thế giới (5,8 tỷ người).

 Chúng tôi đề xuất chiến lược 5 điểm cho tiêm chủng có phối hợp toàn cầu như sau:

   1. Tiêm chủng vaccine cơ bản cho các nhóm nguy cơ cao ở tất cả các nước và vùng lãnh thổ phải được đảm bảo.

   2. Các biện pháp phòng dịch không cần vaccine như khẩu trang, truy vết triệt để, xét nghiệm, cách ly các điểm dịch nặng cần được thực hiện nghiêm túc ở những nơi này những lúc cần thiết, đặc biệt ở 120 nước và vùng lãnh thổ hiện không có dịch hoặc có dịch nhẹ và có hơn 74% dân số thế giới đang sống, nhưng chỉ có 4% nguồn lây nhiễm toàn cầu (tổng số người nhiễm đang được điều trị).

    3. Ở hơn 50 nước và vùng lãnh thổ có dịch nặng với hơn 13% dân số thế giới và 86% người lây nhiễm toàn cầu cần thực hiện tiêm chủng bao phủ (70%-100% dân số).

    4. Ở khoảng 46 nước có dịch trung bình với 12% dân số thế giới và 9% người lây nhiễm toàn cầu việc tiêm chủng vaccine cần đạt mức 10% tới 70% dân số mỗi nước, tùy theo tình hình lây nhiễm cụ thể ở từng nước.

   5. Chỉ có hơn 10 nước có dịch nặng và trung bình có GDP bình quân đầu người dưới 5.000USD và tổng dân số khoảng 100 triệu dân có thể cần hỗ trợ tài chính của cộng động quốc tế để bảo đảm tiêm chủng bao phủ cho công dân của mình.

Với chiến lược 5 điểm kết hợp các biện pháp phòng dịch không dùng vaccine và tiêm chủng toàn cầu không tương ứng với dân số, nhưng tương ứng với nguồn lây nhiễm toàn cầu chúng ta có thể chỉ cần tiêm chủng khoảng 20% đến 36% dân số thế giới (1,5 tỷ người đến 2,78 tỷ người) để kết thúc dịch vào khoảng cuối năm 2021, nếu các vaccine có hiệu quả với các biến thể mới.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục