Cựu chiến binh hiến hơn 2.000m2 đất làm đường
Cập nhật ngày: 19/11/2018 09:28 (GMT +7)

Tháng 11, chúng tôi có dịp đến xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, rảo bước trên con đường phẳng phiu, đẹp đẽ, được ngắm nhìn những đồi chè xanh mướt dưới ánh nắng vàng cuối thu, chúng tôi như thấy rõ bức tranh nông thôn nhiều khởi sắc vùng đất trung du này. Ghé thăm xóm Thống Nhất, được bà con kể lại câu chuyện về cựu chiến binh Đỗ Văn Tuấn đã hiến hơn 2.000m2 đất làm đường, trong đó phần lớn là diện tích đất màu mỡ, đem lại giá trị kinh tế và là nguồn thu nhập chính của gia đình.


Gia đình cựu chiến binh Đỗ Văn Tuấn trên con đường mới.

Tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất

Sau hơn một tiếng vòng vèo qua những cung đường uốn lượn quanh những nương chè, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ khang trang, sạch sẽ nằm gần cuối xóm của ông Tuấn. Khi ấy, ông Tuấn đang mải mê kiểm tra những thùng ong trong vườn nhà, thấy vậy, trưởng xóm Đỗ Tuấn Đồng giải thích: “Từ khi hiến hết diện tích đất trồng lúa, bác Tuấn đẩy mạnh mô hình nuôi ong lấy mật, đây là những thùng bắt đầu cho thu hoạch”. Nghe thấy tiếng trò chuyện, người đàn ông với mái tóc ngả bạc và nước da rám nắng, rắn rỏi, quay sang mỉm cười hiền hậu. Có lẽ những năm tháng trong quân ngũ và quá trình lao động nơi quê nhà đã giúp ông nhanh nhẹn, hoạt bát hơn so với độ tuổi 66. Trong câu chuyện với ông Tuấn, chúng tôi được biết ông tình nguyện nhập ngũ khi mới 19 tuổi và chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong giai đoạn ác liệt nhất, sau đó ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương và xây dựng gia đình với cô gái cùng làng. Lần lượt ba người con trai ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết, bởi ảnh hưởng chất độc da cam mà ông đang mang trên mình (67%) đã không để lại di chứng trên các con. Những tưởng cuộc sống vẹn tròn, nhưng khi cầm trên tay kết luận của bệnh viện về đứa cháu trai duy nhất bị thiểu năng trí tuệ, đã khiến ông và gia đình rất buồn. Không nản chí, ông kiên trì đưa cháu đi chữa bệnh khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng sau 15 năm đứa cháu trai vẫn không chịu lớn, nhận thức chỉ như đứa trẻ như lên ba. Dù vậy, ông Tuấn vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc và luôn hy vọng: “Mong rằng sau này khoa học phát triển, sẽ tìm ra phương pháp chữa lành bệnh cho những đứa trẻ không may mắn như cháu tôi”. Chính sự kiên cường của ông đã tiếp thêm nghị lực để vợ và các con vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tuy xa rời quân ngũ đã lâu, song người lính Thành cổ năm nào vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của xóm, xã. 18 năm liên tục ông được bầu làm chi hội trưởng Hội cựu chiến binh xóm. Trên cương vị này, ông tích cực vận động, tập hợp hội viên, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào do Hội cấp trên và địa phương phát động, nhất là phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và “Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới”, qua đó đã tạo nên sự gắn kết giữa hội viên, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương. Bản thân ông luôn gương mẫu, đi đầu trong việc mọi hoạt động từ phát triển kinh tế, hiến đất làm đường, đến đóng góp các khoản thu, tham gia xây dựng nhà văn hóa... 

Xóm Thống Nhất nơi ông Tuấn sống có 40 hộ, với 193 nhân khẩu, chủ yếu di cư từ các tỉnh khác đến lập nghiệp. Với một vùng chè, rừng sản xuất rộng lớn đây là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, song cuộc sống của người dân trước kia rất vất vả do giao thông đi lại khó khăn. Gần chục năm trước, con đường vào xóm chỉ là đường đất, rộng hơn 1m vừa đủ cho xe máy và xe đạp đi lại, vì thế, gỗ hay hàng nông sản của người dân muốn đem ra chợ bán đều rất khó khăn. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, bởi đã có trường hợp người dân bị ngã xuống ruộng, xuống suối, rất may được phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, song nông sản thì đành mất trắng. Cũng có nhiều tư thương vào tận xóm thu mua sản phẩm, (nhất là gỗ, chè) nhưng do giao thông không thuận lợi nên họ đã tìm cách ép giá. 

Vì vậy, khi tuyến đường liên xã Văn Hán - Khe Mo - La Hiên đi qua, người dân trong xóm rất vui bởi con đường mới sẽ được mở rộng hơn, to đẹp hơn. Tuy nhiên, ngoài việc đóng góp ngày công lao động thì bà con còn phải hiến đất làm đường, trong đó có nhiều hộ dân đã không đồng thuận khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Hiểu được chỉ có giao thông thuận lợi thì kinh tế mới phát triển, ông Tuấn về bàn với vợ, con và nhận được sự ủng hộ. Ba ngày sau, tại cuộc họp xóm, ông Tuấn rưng rưng nói: Gia đình tôi cũng như bà con đã chịu nhiều khổ cực, vất vả vì việc đi lại, nay có cơ hội để giao thông phát triển gia đình tôi xin tình nguyện hiến đất để làm đường, đường làm đến đâu, nhà tôi sẽ hiến đất đến đó. 

Sau đó, hơn 2.000m2 đất nhà ông Tuấn đã nhường chỗ cho con đường mới  hình thành, học tập ông, nhiều gia đình trong xóm cũng tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho quá trình thi công. Ông Nguyễn Trung Dũng, người dân trong xóm vui vẻ nói: Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong việc tự nguyện hiến đất, bác Tuấn còn đi đến từng nhà, vận động, tuyên truyền để bà con chúng tôi hiểu và làm theo. Kết quả, đã có trên 10.000m2 đất được hiến, để từ đây, đường đến xóm được mở rộng 9m, người dân cũng dễ dàng giao lưu buôn bán, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và thành công nhất chính là tình làng, nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó, cũng là nhờ bác Tuấn cả.

Đến quyết định hiến cả “bồ thóc”

Do đặc điểm địa hình, nên vùng đất nơi gia đình ông Tuấn sinh sống chủ yếu là đất feralit, độ dốc vừa phải rất thích hợp để phát triển cây chè và trồng rừng, trong khi đó diện tích canh tác lúa rất hiếm do đất đai khô cằn, thiếu nước. Khi đến đây lập nghiệp, gia đình ông Tuấn đã khai phá được trên 1.000m2 đất bằng phẳng, màu mỡ, lại gần nguồn nước, rất phù hợp với việc trồng lúa. Bà Dương Thị Nga, vợ ông Tuấn chia sẻ: Giữa vùng đồi núi chập chùng, đây được coi là diện tích “đất hiếm” và được ví là “bồ thóc” của gia đình tôi, bởi một năm 2 vụ, chúng tôi cũng thu về được trên 1,4 tấn thóc, đủ dùng cho cả năm. Trước kia, lúa gạo quý lắm nên vào những lúc giáp hạt, chúng tôi còn chia cho một số bà con trong xóm, còn hiện tại thì vẫn đảm bảo đầy đủ cho cuộc sống. 
Khi tuyến đường triển khai thi công, một vấn đề đặt ra là con đường cũ vừa nhỏ, vừa cong, để nắn chỉnh thẳng, đảm bảo chiều rộng theo quy hoạch sẽ mất khá nhiều đất của các hộ dân, trong đó đoạn đường đến nhà ông Tuấn lại là đoạn cua gấp khúc rất nguy hiểm. Khi cùng cán bộ thi công xem lại quy hoạch con đường, ông Tuấn đã mạnh dạn đề xuất nắn, chỉnh lại theo hướng làm sao con đường đẹp nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc, 3 sào đất canh tác lúa cùng với vườn thanh long đang bắt đầu cho thu hoạch, hơn 400m2 diện tích ao cá cùng 1/3 diện tích đất thổ cư của nhà ông sẽ biến mất . 
Thật khó có thể hình dung, ông bà đã phải khó khăn thế nào khi đi đến quyết định ấy, bởi ở vùng quê lam lũ này - 3 sào đất canh tác ấy là một “mỏ vàng”, thêm vào đó số tiền đầu tư trồng thanh long, nuôi cá ông bà chưa kịp thu hồi vốn, nay nếu mất hết chắc chắn thu nhập của cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Trăn trở, suy nghĩ sau nhiều đêm, cuối cùng vợ chồng ông một lần nữa quyết định hiến “bồ thóc” của gia đình để làm đường. Nghĩ là làm, ông bà cùng các con đã tự nguyện nhường lại diện tích đất thổ cư, nhổ hết hơn 100 gốc thanh long, thu lúa non, bán hết cá... ước tính thiệt hại vào khoảng 70 triệu đồng. Dù biết cuộc sống sẽ khó khăn, vất vả hơn trước, song mỗi khi ngắm nhìn những cháu học sinh ngày ngày được đi học trên con đường rộng rãi, thênh thang ấy ông bà thấy vô cùng hạnh phúc và biết đó là quyết định đúng đắn, chính xác. 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khe Mo, ông Lê Ngọc Dũng cho biết: Năm 2018, Khe Mo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó Thống Nhất là xóm nổi bật về phong trào hiến đất làm đường. Đặc biệt, gia đình cựu chiến binh Đỗ Văn Tuấn, dù còn nhiều khó khăn, vất vả song đã hiến một diện tích đất lớn và có giá trị kinh tế cao để làm đường, chúng tôi cùng nhân dân rất khâm phục, cảm động trước tấm lòng của ông dành cho cho cộng đồng. Ông Tuấn chính là tấm gương sáng để nhân dân trong xóm nói riêng và toàn xã nói chung học tập, noi theo. 

Bài và ảnh: HƯƠNG DỊU

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục